Mỗi đôla Mỹ chiều nay có thời điểm đổi được 100,7 ruble. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2022, tỷ giá vượt mốc tâm lý quan trọng là 100 RUB một USD.
Ruble năm nay mất giá 25% so với đôla Mỹ và là một trong ba đồng tiền có diễn biến tệ nhất trong nhóm thị trường mới nổi, cùng lira Thổ Nhĩ Kỳ và peso Argentina. So với tháng 6 năm ngoái, giá ruble hiện chỉ bằng một nửa.
Ruble yếu đi trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Các lệnh trừng phạt lên Nga, trong đó có việc phương Tây áp giá trần bán dầu, cũng làm giảm nguồn thu từ xuất khẩu của nước này.
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của nước này chỉ còn 6,9 tỷ USD trong tháng 7, giảm so với 16,8 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Việc nới quy định kiểm soát vốn cũng khiến dòng tiền rời Nga mạnh hơn.
Thống đốc Elvira Nabiullina thường xuyên khẳng định môi trường ngoại thương đi xuống là lý do chính khiến ruble yếu đi. Bà cũng bác bỏ ý định can thiệp để hỗ trợ tỷ giá.
"Chúng tôi không thấy có rủi ro nào với ổn định tài chính từ việc ruble giảm giá", Phó thống đốc Alexey Zabotkin cho biết trước báo giới cuối tuần trước. Cơ quan này sẽ tiếp tục gắn bó với chính sách tỷ giá thả nổi, nhằm "cho phép nền kinh tế thích ứng tốt với môi trường bên ngoài hay biến động".
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ ngừng mua ngoại tệ tại thị trường trong nước, nhằm thực thi một cơ chế ngân sách giúp nền kinh tế tránh tổn thương từ biến động giá hàng hóa. Quyết định này nhằm "giảm biến động với các thị trường tài chính".
Alexander Isakov – nhà kinh tế học tại Bloomberg Economics thì nhận định: "Để bình ổn ruble, lãi suất tham chiếu cần lên sát 10%. Chi ngân sách liên bang cũng phải được giữ dưới mức trần".
Ông cho rằng đồng ruble có thể sẽ hưởng lợi khi giá dầu thô tăng cao, nhưng các chính sách tiền tệ trong nước mới là nền tảng cho đồng tiền này. Theo Isakov, Ngân hàng Trung ương Nga cần nâng lãi suất thêm 50-100 điểm cơ bản trong phiên họp giữa tháng 9 để tăng tiết kiệm trong nước và giảm nhập khẩu.
Ý kiến ()