Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:37 (GMT +7)
Giá phân bón 'nhảy múa' khi vào vụ mới
Thứ 4, 20/09/2023 | 10:15:28 [GMT +7] A A
Dù đang trong giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, giá phân bón vẫn liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ trong 2 tháng qua, giá phân bón đã tăng hơn 35% và dự báo sẽ tiếp tục tăng khi người dân bước vào vụ sản xuất mới.
Bất thường giá phân bón tăng sốc
Trước biến động của giá phân bón thế giới, thời gian gần đây các DN trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Cụ thể, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng tăng giá Urê tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên mức 11.000 đồng/kg, tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo tăng giá bán lên mức hơn 10.800 đồng/kg. Với mức giá này, phân Urê tại các nhà máy hiện đã tăng lên từ 30- 35% chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, dù trong giai đoạn thấp điểm tiêu thụ, giá các loại phân bón như Kali, NPK, DAP, SA...vẫn rục rịch tăng khoảng hơn 20% so với thời điểm cuối tháng 6. Theo đó, giá NPK Phú Mỹ dao động 790.000 - 850.000 đồng/bao (loại 50 kg), NPK Ba Con Cò dao động 900.000 - 1.100.000 đồng/bao, NPK Bình Điền hơn 1 triệu đồng/bao….Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, giá phân bón bị đẩy lên rất cao và có thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm.
Đại diện Công ty Cổ phần phân bón Quốc tế Đông Dương (Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, thông thường vào thời gian này là lúc thấp điểm tiêu thụ phân bón do vụ Hè Thu vừa kết thúc. Năm nay thị trường phân bón biến động khá lạ. Cùng với đà tăng của giá gạo, giá các loại phân bón như Urê, NPK, DAP,... rao bán tại đại lý cũng rục rịch tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Trong đó, loại được mua nhiều nhất là phân DAP với giá từ 19.000 - 23.000 đồng/kg.
Có thể tiếp tục tăng trong quý 4
Theo Bộ NN&PTNT, thông tin mới nhất ảnh hưởng đến thị trường phân bón là việc Trung Quốc vừa yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón nước này tạm dừng xuất khẩu phân Urê trong khi nhu cầu từ Ấn Độ đang tăng mạnh khi nước này mở rộng diện tích trồng lúa gạo và mía đường để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung do tác động của hiện tượng El Nino.
Lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, tại miền Bắc, diện tích lúa Hè Thu đã được bón xong 3 đợt chính nên nhu cầu tiêu thụ thấp. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các tỉnh đều sạ xong diện tích lúa nên tiêu thụ phân bón ở mức thấp.
“Giá phân bón tăng vào thời điểm này có thể chưa hợp lý bởi năng lực sản xuất của các nhà máy trong nước đã vượt xa nhu cầu của sản xuất nông nghiệp”, lãnh đạo Cục Bảo vệ Thực vật nói. Ông cho rằng, việc tăng giá này có thể “ăn theo” tác động của giá phân bón thế giới cũng như giá dầu khí đang biến động mạnh.
Theo một số doanh nghiệp, trong sản xuất nông nghiệp, chi phí cho mua phân bón chiếm tới 40 - 45% giá trị đầu vào. Do đó, giá phân bón tăng cao sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp.
“Theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý 4, thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam. Hiện, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 song sẽ không tăng nóng như mọi năm”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, đến nay tổng nhu cầu phân bón các loại mỗi năm của Việt Nam khoảng 11 - 12 triệu tấn. Trong đó, năng lực sản xuất đang thiếu khoảng 4 triệu tấn, nhưng có sự khác nhau giữa các chủng loại phân bón.
Theo ông Ngọc, phân bón SA và Kali do trong nước không có nguồn nguyên liệu để sản xuất nên phải nhập hoàn toàn. Với các sản phẩm phân bón DAP và MAP, sản lượng sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 86% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Phân lân và NPK, sản xuất trong nước đáp ứng đủ nhu cầu của ngành trồng trọt.
Riêng với phân bón Urê, hiện sản lượng từ các nhà máy như đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ đã đạt 2,6 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ cần 2,2 triệu tấn nên giá mặt hàng này không thể tăng cao như những mặt hàng khác do chịu tác động từ thị trường thế giới.
“Các DN phân bón đang đề nghị bỏ áp dụng mức thuế 5% đối với Urê xuất khẩu để giải phóng nguồn cung. Ở trong nước, các địa phương đang bước vào vụ mới. Năm nay, dự báo diện tích lúa và một số loại nông sản sẽ tăng hơn so với năm ngoái nên nhu cầu dự báo tăng mạnh trở lại, đẩy giá phân bón có thể tiếp tục tăng”, ông Ngọc cho hay.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()