Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:28 (GMT +7)
Giá lợn hơi xuống đáy, người chăn nuôi kiệt sức vì bù lỗ kéo dài
Thứ 6, 17/03/2023 | 14:23:45 [GMT +7] A A
Giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá bán giảm mạnh và kéo dài thời gian qua đang khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng vì phải bù lỗ.
Giá lợn hơi chạm đáy
Theo ghi nhận của Lao Động, ở Miền Bắc hiện có giá lợn hơi thấp nhất cả nước, bình quân chỉ 47.500 đồng/kg.
Giá sàn 46.000 đồng/kg ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai đã kéo dài nhiều ngày qua. Hưng Yên và Hà Nội có mức giá khả quan nhất khu vực với 49.000 đồng/kg.
Miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn thấp nhất 47.000 đồng/kg ghi nhận tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Các địa phương còn lại giá từ 49.000 - 50.000 đồng/kg; riêng Bình Định 51.000 đồng/kg.
Tại Miền Nam giá không đổi so với ngày hôm trước. Các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Trà Vinh đồng giá 49.000 đồng/kg. Giá phổ biến ở khu vực này từ 50.000 - 51.000 đồng/kg. TPHCM, Bạc Liêu và Cà Mau giữ giá 52.000 đồng/kg.
Theo nhận định của các chuyên gia, giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá bán giảm mạnh và kéo dài thời gian qua đang khiến người chăn nuôi lợn điêu đứng vì phải bù lỗ.
Đơn cử, giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho lợn đang ở mức rất cao dao động 470.000-750.000 đồng/bao.
Giá các loại tấm và cám gạo tăng đáng kể so các năm trước, dao động 400.000-420.000 đồng/bao...
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cao kỷ lục trong một thời gian dài, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất chăn nuôi rất cao.
Cùng với sự giảm mạnh về nhu cầu tiêu dùng và thực phẩm dẫn tới giá bán sản phẩm chăn nuôi ra thị trường giảm rất mạnh, gây thua lỗ lớn cho toàn ngành.
"Một con lợn xuất chuồng thì các doanh nghiệp và hộ chăn nuôi đã lỗ tới gần 1 triệu đồng" - ông Công nói và cho biết, hiệp hội đã có văn bản kiến nghị khẩn tới Thủ tướng để "cứu" ngành chăn nuôi trong nước.
Theo đó, cơ quan này đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% giúp các doanh nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam ổn định mặt bằng giá thành sản xuất trong nước, giữ lợi thế cạnh tranh cho ngành thức ăn chăn nuôi trong khu vực.
"Việc giảm thuế suất như đề xuất gần như không làm giảm thu ngân sách nhà nước do được bù đắp từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT, có thể tăng thêm khi hoạt động sản xuất và sản lượng ngành thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi phục hồi", ông Công cho hay.
Giải pháp nào?
Theo TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, giá lợn hơi hiện nay xuống thấp là một tất yếu, chứ không bất ngờ, bản chất là quan hệ cung cầu và bị chi phối bởi xuất đầu tư rất lớn, chu kỳ sản xuất dài.
Bên cạnh đó, nguồn cung nhập khẩu áp lực lớn đến thị trường trong nước. Ngành chăn nuôi chúng ta tăng sản xuất trong nước chỉ có 2 - 3% nhưng mà nhập khẩu tăng đến hàng trăm phần trăm.
Để "cứu" ngành chăn nuôi khỏi thua lỗ, ông Dương cho hay, cần phải hỗ trợ tín dụng bà con và doanh nghiệp chăn nuôi.
Đồng thời miễn giảm những chi phí sản xuất, chăn nuôi như vaccine, kiểm dịch...
Ông Dương cho rằng, cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là điều chỉnh được mục tiêu phát triển. Chúng ta xem quy mô đàn lợn trong thời gian tới cần như thế nào là vừa.
"Chúng ta phải có quy hoạch sản xuất, phải tổ chức lại sản xuất, nhất định phải theo chuỗi liên kết khi đó sẽ giúp nhà nước cân đối lại cung cầu.
Phải có những chính sách trong kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với doanh nghiệp và người dân - đó là vấn đề tiếp cận trong kiểm soát dịch bệnh, phải có những thay đổi để kiểm soát. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát nhập khẩu, nhập khẩu chính ngạch về chất lượng, hạn sử dụng sản phẩm", ông nói.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()