Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:27 (GMT +7)
Giá lợn hơi tăng, tiệm cận giá thành sản xuất
Thứ 5, 18/05/2023 | 11:08:14 [GMT +7] A A
Những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục tăng trên diện rộng và dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, với mức giá này thì chăn nuôi công nghiệp theo chuỗi đã có lãi còn chăn nuôi nông hộ thì đang dần tiệm cận đến giá thành sản xuất.
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 17/5 tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tại nhiều tỉnh thành so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg.
Tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam và Ninh Bình giá lợn hơi cùng tăng 1.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp nhất khu vực là 54.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Nam Định và Tuyên Quang.
Trong khi đó, cùng tăng 1.000 đồng/kg, thương lái tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội đang cùng thu mua lợn hơi với giá 55.000 đồng/kg. Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi cao nhất khu vực đang có mặt tại tỉnh Hưng Yên là 56.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên hôm nay tăng nhẹ ở một vài nơi và dao động trong khoảng 54.000 - 56.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế cùng điều chỉnh giao dịch lên mức 54.000 đồng/kg. Còn tại Đắk Lắk, lợn hơi đang được thương lái thu mua với giá 55.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên, tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi ghi nhận mức tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Ghi nhận tại Tây Ninh, Cà Mau, lợn hơi có giá cao nhất khu vực là 56.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá lợn hơi diễn biến theo xu hướng tăng trên diện rộng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố và phổ biến ở ngưỡng 55.000 đồng/kg.
Cùng với xu hướng tăng của giá lợn hơi, giá thịt lợn móc hàm cũng tăng nhẹ. Theo tiểu thương các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, mỗi tạ thịt lợn móc hàm đắt hơn khoảng 300.000 – 400.000 đồng.
Tuy nhiên, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ dân sinh tại nhiều khu vực như Yên Hòa, Nam Trung Yên, Hà Đông… vẫn chưa có nhiều thay đôi. Theo các tiểu thương, do sức mua trên thị trường vẫn yếu nên họ vẫn bán hầu hết với mức giá cũ để giữ khách dù giá thịt lợn móc hàm đã rục rịch.
Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, có thời điểm có nơi giá lợn hơi đã tăng lên 57.000 – 58.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng những ngày gần đây từng bước tiếp cận được giá thành sản xuất của chăn nuôi nông hộ. Đối với các doanh nghiệp chăn nuôi công nghiệp đã có lãi với giá cách đây vài tuần.
Với bối cảnh hiện nay, giá lợn hơi phải đạt từ 60.000 đồng/kg trở lên thì mới đảm bảo chuỗi chăn nuôi phát triển cũng như đảm bảo lợi nhuận của các bên: người chăn nuôi, tiêu dùng, phân phối. Còn nếu thấp hơn thì không đủ phân phối lợi nhuận cho các bên có lãi.
Bởi theo ông Nguyễn Đức Trọng, với giá hiện tại, người chăn nuôi nhỏ chưa thể hòa vốn nếu phải đi mua con giống, sản xuất chưa theo chuỗi.
Đánh giá về nguyên nhân giá lợn hơi tăng trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Đức Trọng cho rằng, lượng lớn hàng tồn kho đã được các doanh nghiệp lớn cơ bản giải quyết. Trước đây, có thời điểm các doanh nghiệp hầu hết phải nuôi quá lứa xuất chuồng nhưng nay gần như không còn tình trạng này.
Trong khi đó, nguồn cung trong các hộ chăn nuôi nhỏ cũng giảm đi rất nhiều. Nhiều trang trại lớn, nhỏ đã phải “treo chuồng” do giá lợn hơi xuống quá thấp mà giá thức ăn chăn nuôi không có giảm. Người chăn nuôi lợn ở Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời điểm giá lợn hơi giảm mạnh ở mức 49.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ từ 700.000 - 1 triệu đồng/con. Nhiều hộ chăn nuôi không thể cầm cự nổi, đành phải tạm thời bỏ nghề.
Giá lợn hơi tăng còn được các chuyên gia nhận định do nhu cầu thực phẩm cũng đang có dấu hiệu tăng lên khi mùa du lịch bắt đầu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ chỉ đạo, kiểm tra tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm. Đồng thời, tăng cường nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, kinh tế tuần hoàn... trên các đối tượng vật nuôi.
Ngành triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng tăng đột biến giá cả.
Trước đó, giá mặt hàng này đã có 8 tháng liên tiếp sụt giảm, ngay cả trong mùa cao điểm tiêu thụ Tết Nguyên đán do nguồn cung trong nước dồi dào, trong khi nhu cầu tiêu thụ rất yếu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()