Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:54 (GMT +7)
Giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn 1.500 USD/tấn trong 8 tháng
Thứ 5, 26/09/2024 | 16:14:08 [GMT +7] A A
Giá hồ tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 ở mức 4.800 USD/ tấn, tăng 46,7% (đạt 1.527 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung giảm, nhu cầu từ Trung Quốc tăng, giá hồ tiêu nội địa bật tăng trở lại
Hạn hán tại Espírito Santo (Brazil), nơi cung cấp hơn một nửa sản lượng tiêu đen của Brazil, đã ảnh hưởng lớn đến vụ thu hoạch hồ tiêu của quốc gia này và thị trường thế giới nói chung. Vụ tiêu đen tại miền Bắc của bang bị thiệt hại một nửa do nhiệt độ cao của mùa hè, và tình trạng này kéo dài sang cả mùa thu và mùa đông.
Còn tại Việt Nam, do hạn hán kéo dài vào tháng 4 và tháng 5 tại các vùng trồng hồ tiêu trọng điểm nên vụ thu hoạch năm 2025 của Việt Nam sẽ bị chậm lại. Dự báo, vụ hồ tiêu năm 2025 sẽ thu hoạch gần như toàn bộ vào tháng 2, nhiều vùng kéo dài đến tháng 3 và tháng 4, chậm hơn 1 đến 2 tháng so với những năm trước do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Trên thị trường nội địa Việt Nam, giá tiêu đen tại thị trường nội địa trong tháng 8 tiếp tục giảm 2,3 - 3,7%, xuống còn 144.000 - 146.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thị trường đã có sự phục hồi tích cực trở lại và tăng 3 - 3,8% (tương ứng 5.000 đồng/kg) trong 20 ngày đầu tháng 9, đạt 149.000 - 151.000 đồng/kg.
Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Trung Đông tăng vào đầu tháng 9 là yếu tố chính khiến giá tiêu nội địa Việt Nam tăng lên. Đặc biệt là việc nhu cầu từ Trung Quốc đã quay trở lại với các đơn đặt hàng số lượng lớn từ 3.000 - 4.000 tấn.
Số liệu được công bố bởi Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 8 đạt 19.420 tấn, trị giá 116,7 tỷ USD, giảm 10,9% về lượng và 10,1% về trị giá so với tháng trước, đồng thời giảm 3,1% về lượng nhưng tăng tới 56% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu hồ tiêu đạt 182.930 tấn, trị giá gần 878 triệu USD, giảm 2,7% về lượng nhưng vẫn tăng mạnh 41,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá tăng cao.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm ở mức 4.800 USD/ tấn, tăng 46,7% (1.527 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 8, giá đạt bình quân 6.011 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 61,1% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu chủng loại hồ tiêu xuất khẩu 8 tháng đầu năm, tiêu đen nguyên hạt tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn lên đến 73,8%, đạt 135.620 tấn. Tiếp đến là tiêu đen xay đạt 25.699 tấn, chiếm 14%; tiêu trắng nguyên hạt chiếm 7,7% với 14.975 tấn; tiêu trắng xay chiếm 3,8% và cuối cùng là tiêu ngâm giấm, mộc, đầu đinh, xanh, hồng… với 0,7%.
Các thị trường xuất khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam trong tháng 8 và 8 tháng đầu năm gồm Mỹ, Đức, UAE, Ấn Độ, Trung Quốc…
Trong đó, xuất khẩu tiêu sang thị trường Mỹ đạt kỷ lục 8.570 tấn trong tháng 8, với trị giá 52,7 triệu USD, tăng mạnh 45,1% về lượng và 52,4% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái tăng tới 90,6% về lượng và 2,9 lần về trị giá.
Tính chung 8 tháng, Mỹ dẫn đầu về tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam với khối lượng đạt 51.802 tấn, trị giá 258,3 triệu USD, tăng 53,5% về lượng và 90,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần của thị trường này trong tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng lên mức 28,3% từ mức 18% của cùng kỳ năm ngoái.
Lượng hồ tiêu xuất khẩu sang các thị trường lớn tiếp theo cũng tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm như: Đức đạt 12.133 tấn, tăng 97,5%; UAE: 11.779 tấn, tăng 30,5%; Ấn Độ: 9.012 tấn, tăng 11,8%...
Ngoài các thị trường kể trên, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Hà Lan, Hàn Quốc, Pakistan, Nga, Ai Cập, Anh, Thái Lan… cũng tăng trưởng mạnh ở mức hai con số.
Trong số các thị trường lớn chỉ có duy nhất Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 8.388 tấn, trị giá 23,5 triệu USD, giảm mạnh 84,4% về lượng và 80,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu hồ tiêu của các doanh nghiệp đều tăng mạnh hai đến ba con số
Báo cáo của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Phước Thịnh (PTEXIM) vào đầu tháng 9 cho biết, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và Trung Đông là yếu tố chính khiến giá tiêu nội địa Việt Nam tăng lên. Đặc biệt là việc nhu cầu từ Trung Quốc đã quay trở lại với các đơn đặt hàng số lượng lớn từ 3.000 - 4.000 tấn.
“Có vẻ như tồn kho của Trung Quốc đã giảm đáng kể sau một thời gian dài giảm mua, dẫn đến phải mua số lượng lớn để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt nguyên liệu khi sản lượng tiêu toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong vài năm tới”, Báo cáo của PTEXIM nêu rõ.
Thị trường hồ tiêu nội địa Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng nhanh, tăng từ 47 NDT/kg lên 51 NDT/kg chỉ trong vòng hai ngày, tương ứng với mức tăng 8,5% trong thời gian rất ngắn. Ngoài ra, nhu cầu từ thị trường Trung Đông sau khi bán hết lượng hàng tồn kho giá rẻ nhập khẩu vào đầu năm nay cũng rất lớn, khiến thị trường hồ tiêu trở nên sôi động hơn.
Trong bối cảnh giá tiêu tăng cao và thị trường có nhiều thuận lợi, xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt 1 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, lượng hồ tiêu xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể thấp hơn mọi năm do lượng hàng xuất khẩu trong 8 tháng qua đã vượt sản lượng 170.000 tấn của vụ 2024.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tồn kho vụ 2023 chuyển sang cộng với lượng nhập khẩu năm 2024 vào khoảng 40.000 - 45.000 tấn (kể cả nhập khẩu tiểu ngạch) cho thấy nguồn hàng xuất khẩu từ tháng 8 cho tới cuối năm sẽ thấp hơn mọi năm và cho đến tháng 3/2025 khi vụ mùa 2025 dự kiến sẽ thu hoạch.
Trong 8 tháng đầu năm, đa phần xuất khẩu tiêu của các doanh nghiệp lớn đều tăng mạnh ở mức hai đến ba con số so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như Olam Việt Nam đạt 18.185 tấn, tăng 50,6%; Phúc Sinh: 16.522 tấn, tăng 61,7%; Nedspice Việt Nam: 13.953 tấn, tăng 14,1%; Haprosimex JSC: 13.808 tấn, tăng 77% và Trân Châu: 11.426 tấn, giảm 6,5%…
Ngoài ra còn có một số doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng trưởng đột biến như Simexco Đăk Lăk tăng 215,1%; Sinh Lộc Phát tăng 124,2%; Hanfimex Việt Nam tăng 94,2%; Intimex Group tăng 85,6%; Liên Thành tăng 60,3%…
Thống kê của VPSA cũng cho thấy, khối doanh nghiệp thuộc VPSA đã xuất khẩu 159.792 tấn hồ tiêu sau 8 tháng đầu năm, tăng 35,6% so với cùng kỳ và chiếm đến 87% tổng xuất khẩu tiêu của cả nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài VPSA chỉ xuất khẩu được 23.964 tấn, giảm 65,7% và chiếm 13% tỷ trọng.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()