Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:11 (GMT +7)
Giá heo hơi giảm sâu, thịt thành phẩm không chịu giảm: Ai đứng sau giữ giá?
Thứ 3, 24/08/2021 | 15:32:32 [GMT +7] A A
Giá heo hơi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây nhưng nghịch lý là giá thịt thành phẩm bán cho người tiêu dùng vẫn rất cao, vậy nguyên nhân từ đâu?
Ngày 24/8, giá heo hơi tại 2 miền Bắc - Nam biến động giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg, trong khi miền Trung tiếp tục đi ngang so với hôm qua. Hiện giá heo hơi trên toàn quốc được thu mua trong khoảng 50.000 - 57.000 đồng/kg.
Đây là mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.
Thương lái hạ giá mua nhưng tăng giá bán
Thông tin với VTC News, ông Nguyễn Xuân Lộc - Trưởng ban Quản Lý Chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam - cho biết, giá heo sống bán ra đang thấp kỷ lục, khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg. “Giá tại các trang trại miền Bắc vẫn ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg nhưng sở dĩ giá bán ra tại chợ này thấp hơn là vì nguồn cung từ miền Trung, miền Nam tập kết ra Bắc rất nhiều”, ông Lộc giải thích.
Trong khi đó, nhiều chủ trại nuôi heo ở Hà Nam chia sẻ, ngay khi COVID-19 bùng phát phức tạp và nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh thì giá heo hơi bắt đầu đi xuống. Đặc biệt, từ đầu tháng 8, thương lái liên tục giảm giá mua. Nguyên nhân là dịch bệnh khiến nguồn cầu thấp, trong khi nguồn cung cao. Việc vận chuyển phức tạp, khó khăn cũng khiến thương lái thu mua cầm chừng để nghe ngóng, dễ giải phóng hàng.
"Đầu tháng 6, giá heo hơi vẫn ở mức trên dưới 70.000 đồng/kg nhưng đến tháng 8, mỗi kg heo hơi đã giảm tầm 15.000 đồng so với trước", một chủ trại cho biết.
Đáng chú ý là, trong khi giảm giá mua xuất chuồng xuống thì thương lái lại tăng giá bán với các lò mổ, với lý do việc lưu thông, vận chuyển thịt heo gặp nhiều khó khăn, các thương lái phải qua nhiều bước trung gian hơn và tốn nhiều chi phí hơn so với trước. Với chi phí phát sinh, thương lái buộc phải cộng thêm những khoản tiền này vào giá bán cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, tại miền Nam, đại diện Sở Công Thương TP.HCM từng nhận định, ngoài chi phí vận chuyển thì chi phí chống dịch, vận hành, chi phí xăng dầu...của các đơn vị phân phối phát sinh quá lớn cũng khiến giá thịt heo bán lẻ vẫn còn cao.
"Các điểm phân phối thịt heo có F0 thì phải tạm đóng cửa, nhân viên phải cách ly, điểm bán phải khử khuẩn. Một số nhân viên khác nằm trong vùng phong tỏa, không thể đi làm, buộc doanh nghiệp phải tuyển thêm người mới. Ngoài ra, tài xế vận chuyển thịt heo cũng thiếu trầm trọng vì tài xế ngại đi làm mùa dịch. Các đơn vị phải tuyển thêm nhân sự liên tục, trả tiền làm ngoài giờ, trả tiền xét nghiệm COVID-19, mua bảo hiểm cho nhân viên... Những chi phí này khiến cho giá thịt heo vẫn ở mức cao", một đại diện Sở Công Thương TP.HCM trả lời báo chí.
Như vậy, khâu thu mua, vận chuyển trung gian đã khiến giá thịt heo thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn cao ngất và không thể hạ theo quy luật.
"Bắt bệnh" giá thịt heo luôn neo cao
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chỉ ra nguyên nhân của thực trạng giá thịt heo thường xuyên cao, bất chấp giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh. Theo ông Phú, đó là do thực phẩm này phải qua khá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.
Cụ thể, ông Phú phân tích: “Chúng ta chỉ tạm tính mỗi khâu trung gian hưởng 8-10% thì giá thịt heo đến tay người tiêu dùng sẽ cao đến mức nào. Còn một khâu nữa cũng đẩy giá lên đó là khâu bán lẻ. Chúng ta đều biết, nếu các siêu thị áp dụng mức chiết khấu từ 20% trở lên với thịt heo thì sẽ vô hình chung góp phần đẩy giá lên rất cao”.
Theo ông Phú, giá thịt heo thành phẩm thấp nhất là ở chợ ven đô, tiếp theo là chợ dân sinh giữa trung tâm thành phố, tiếp theo là ở các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và cuối cùng đắt nhất là ở các siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) lớn.
“Chúng ta công nhận 1 cách khách quan là ở siêu thị, TTTM các chi phí bảo quản thịt lợn có cao hơn ở chợ, ngoài ra còn thuế VAT 10% nữa. Ví dụ 1kg thịt lợn hiện nay siêu thị đang bán trên thị trường là 180.000 đồng/kg thì trong đó VAT là 18.000 đồng, người tiêu dùng phải chịu thuế này. Nhưng công bằng mà nói, nếu loại trừ thuế VAT thì giá thịt lợn ở siêu thị vẫn cao hơn ngoài chợ dân sinh từ 15 - 20%”, ông Phú nói.
Giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, ông Phú e ngại, việc kiểm soát giá bán thịt heo càng khó khăn hơn, trong khi đây lại là thực phẩm thiết yếu nhất với người tiêu dùng. "Việc mua bán thịt lợn trên thị trường hiện tại qua quá nhiều khâu trung gian, lại không được công khai giá cả từng khâu và nên rất khó quản lý.
Thêm vào đó, hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Chính vì vậy vẫn diễn ra việc ép giá, đem lại thua thiệt cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian", ông Phú nói.
Muốn kiểm soát vấn đề này, ông Phú cho rằng, các bộ ngành cần xem xét lại phần việc và trách nhiệm của mình để góp phần chia sẻ trách nhiệm, kiểm soát được diễn biến thị trường.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng từng thừa nhận việc heo được giết mổ chủ yếu ở các cơ sở nhỏ lẻ, lưu thông qua nhiều kênh phân phối khiến người dân chưa thể hưởng mức giá thấp như mong muốn.
Trong khi đó, trả lời VTC News, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, cho biết giá thịt heo thành phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Từ heo hơi qua nhiều khâu vận chuyển, giết mổ, rồi lại qua vận chuyển mới được chuyển đến nơi bán. Nơi bán tính đủ thứ chi phí ra từng loại thịt (ba chỉ, mông sấn, nạc vai…), mỗi loại 1 giá. Loại ngon, nhu cầu cao thì giá cao hơn để "cõng" cho loại ít bán chạy.
Ngoài ra, trong mùa dịch bệnh, người vận chuyển trong mùa dịch phải xét nghiệm PCR, chi phí này cũng bị tính vào giá thành.
Trên thị trường cũng có rất nhiều loại lợn từ lợn nuôi sinh học, lợn nuôi thường trong dân, lợn nuôi theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt…Vì thế, khi ra thị trường thì giá thành cũng khác nhau.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()