Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:37 (GMT +7)
Giá hàng hóa nguyên liệu tiếp tục phục hồi tuần thứ hai
Thứ 2, 04/09/2023 | 11:31:52 [GMT +7] A A
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa tuần giao dịch 28/8 -3/9, bất chấp đà sụt giảm mạnh trên nhóm nông sản, lực mua tích cực trên cả 3 nhóm mặt hàng còn lại là nông sản, năng lượng và nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index tiếp tục tăng tuần thứ 2 liên tiếp, sau khi sụt giảm mạnh trong 3 tuần trước đó.
Chốt tuần, chỉ số hàng hóa này tăng 0,81% lên 2.297 điểm. Trong khi đó, giá trị giao dịch toàn Sở suy yếu trong tất cả các ngày trong tuần, trung bình đạt trên 3.900 tỷ đồng/phiên, do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước.
Giá dầu lên mức cao nhất 9 tháng
Theo MXV, dầu thô tăng mạnh sau 2 tuần suy yếu trước đó. Trong đó giá dầu WTI tăng 7,17% lên mức 85,55 USD/thùng, ghi nhận phiên tăng thứ 7 liên tiếp, đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Dầu Brent sau khi tăng 5,48% lên 88,55 USD/thùng cũng đã chạm mức định hơn 7 tháng qua.
MXV cho biết, lo ngại nguồn cung thắt chặt khi các nước xuất khẩu dầu hàng đầu tiếp tục kế hoạch hạn chế sản lượng đã thúc đẩy lực mua dầu thô mạnh mẽ trong tuần. Ngoài ra, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường kích thích kinh tế và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ cũng đã hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu.
Saudi Arabia dự kiến sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10 sau 3 tháng thực hiện trước đó, trong một nỗ lực chung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhằm hỗ trợ giá dầu.
Sản lượng dầu của OPEC trong tháng 8 được giữ ở mức ổn định khi các hạn chế của lãnh đạo nhóm Saudi Arabia bù đắp cho mức tăng của một số quốc gia như Iran, theo khảo sát của Bloomberg. Cụ thể, khảo sát cho thấy sản lượng của vương quốc này giảm 170.000 thùng mỗi ngày trong tháng trước, bằng đúng mức gia tăng của Iran và Nigeria.
Cũng hỗ trợ cho giá dầu, Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết rằng Nga, nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới, đã đồng ý với các đối tác của OPEC+ về việc cắt giảm xuất khẩu dầu vào tháng tới.
Trước đó, Nga đã cam kết cắt giảm xuất khẩu dầu thô 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 và thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Việc cắt giảm xuất khẩu trong tháng 8 sẽ được tham chiếu so với mức trung bình tháng 5 và tháng 6.
Giá dầu Urals phổ biến của Nga đã cán mốc 72,6 USD/thùng vào giữa tháng 8, cao hơn nhiều so với mức trần giá 60 USD/thùng mà các nước EU đã áp đặt trong gói trừng phạt thứ 6. Điều này phản ánh tính chất thắt chặt của thị trường dầu khi có nhiều đơn vị sẵn sàng mua dầu Nga với mức giá cao hơn.
Tại Mỹ, sự sụt giảm của tồn kho dầu thô thương mại trong tuần thứ 3 liên tiếp, với mức giảm mạnh hơn 10 triệu thùng cũng đã góp phần hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu. Tồn kho giảm đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ từ các bể chứa xung quanh Cushing ở Oklahoma, địa điểm giao hàng cho hợp đồng tương lai dầu thô NYMEX Mỹ. Tồn kho tại đây đã giảm tổng cộng 9 triệu thùng (khoảng 24%), 5 trong tổng số 6 tuần kể từ giữa tháng 7.
Trong khi đó, số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 01/09 chưa có dấu hiệu gia tăng, giữ nguyên mức 512 giàn, ít hơn 84 giàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Xét về yếu tố vĩ mô, dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ thông qua Bảng lương phi nông nghiệp tháng 8, được công bố vào cuối tuần qua, cho thấy tỷ lệ thất nghiệp cao hơn dự kiến và tăng trưởng tiền lương chậm lại, làm gia tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng tăng lãi suất. Điều này cũng hỗ trợ cho tâm lý của các nhà đầu tư lạc quan hơn.
Thêm vào đó, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ 2 trên thế giới là Trung Quốc cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã phối hợp cắt giảm lãi suất tiền gửi lần thứ 3 trong 1 năm trở lại đây, cắt giảm lãi suất thế chấp và giới hạn thanh toán.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu 15 triệu tấn sản phẩm dầu cho các công ty trong đợt thứ 3 vào năm 2023, nâng tổng khối lượng hạn ngạch xuất khẩu sản phẩm dầu trong năm nay lên 53,99 triệu tấn, tăng mạnh từ mức 34,75 triệu được ban hành cùng kỳ năm ngoái.
Bảng giá nông sản chìm trong sắc đỏ
Đi ngược xu hướng chung của thị trường, ngoại trừ gạo thô, toàn bộ 6 mặt hàng nông sản còn lại đồng loạt đóng cửa tuần qua trong sắc đỏ. Giá lúa mì hợp đồng tháng 12 ghi nhận tuần suy yếu thứ 5 liên tiếp, với mức giảm lên tới 4,22%. Theo MXV, triển vọng nguồn cung dồi dào từ Nga đã gây sức ép lớn lên giá lúa mì trong tuần trước, trong bối cảnh thị trường vẫn theo dõi sát sao tình hình căng thẳng ở khu vực Biển Đen.
Công ty tư vấn nông nghiệp IKAR mới đây đã nâng dự báo sản lượng lúa mì niên vụ 23/24 của Nga lên 91 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với dự báo trước. Về mặt thương mại, IKAR dự báo Nga có thể xuất khẩu 49,5 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 23/24, tăng so với mức 47,5 triệu tấn ước tính trước. Nguồn cung mở rộng từ Nga đã xoa dịu lo ngại của thị trường về triển vọng xuất khẩu của Ukraine, từ đó gây sức ép lên giá lúa mì. MXV nhận định, trong tuần này, giá lúa mì nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại.
Trong khi đó, với 3/5 phiên suy yếu, giá ngô hợp đồng tháng 12 khép lại tuần giao dịch vừa qua với mức giảm 1,33%, qua đó ghi nhận tuần sụt giảm thứ 2 liên tiếp. Tình hình nguồn cung từ Mỹ là yếu tố chính gây sức ép lên giá ngô trong tuần qua.
Theo dữ liệu từ báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) của Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), tỉ lệ ngô đạt chất lượng tốt/tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 27/8 đạt 56%, tuy giảm 2 điểm phần trăm so với một tuần trước đó, nhưng vẫn cao hơn mức 55% dự đoán trung bình của thị trường. Bên cạnh đó, dù dự báo cho thấy khô hạn sẽ duy trì trong những ngày đầu tháng 09, nhưng các chuyên gia đánh giá hầu hết ngô Mỹ đã trưởng thành và chuẩn bị được thu hoạch, do đó ảnh hưởng của thời tiết đối với năng suất cây trồng sẽ khá hạn chế. Những thông tin về tình hình mùa vụ tại Mỹ đã gây áp lực lớn lên giá ngô.
Hơn nữa, mối lo ngại về sự sụt giảm mực nước trên sông Mississippi, con đường huyết mạch, đang đe dọa làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngô của Mỹ. Mực nước ở một số khu vực quan trọng của tuyến đường sông Mississippi được dự báo sẽ chỉ cách mức thấp nhất trong lịch sử khoảng 1,5 mét trong thời gian tới, do dự kiến sẽ có rất ít mưa. Các nhà xuất khẩu buộc phải giảm bớt lượng ngũ cốc chất trên mỗi sà lan để tránh bị mắc cạn, khiến tốc độ xuất khẩu ngô của Mỹ bị chậm lại. Điều này cũng góp phần gây sức ép lên giá ngô. Trong tuần này, theo MXV, giá ngô có động lực để trở lại đà hồi phục.
Trên thị trường nội địa, giá nông sản nhập khẩu về cảng vẫn ổn định trong suốt kỳ nghỉ lễ. Sáng nay, giá chào bán ngô Mỹ duy trì quanh mức 6.550 - 6.700 đồng/kg, đối với các tháng giao kỳ hạn quý IV năm nay tại cảnh Cái Lân. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ngô Mỹ vẫn thấp hơn, ở khoảng 6.450 - 6.600 đồng/kg. Tương tự, giá chào khô đậu tương Mỹ cũng duy trì ổn định trong khoảng 14.050 đồng/kg tại miền Bắc và 13.900 đồng/kg tại miền Nam.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()