Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:20 (GMT +7)
Giá gas bán lẻ trong nước tháng 7 tiếp tục giữ ổn định
Chủ nhật, 30/06/2024 | 21:08:55 [GMT +7] A A
Giá gas bán lẻ trong nước tháng 7 vẫn giữ ổn định như mức giá của tháng 6 theo diễn biến của giá gas thế giới. Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 7/2024 tại thị trường Hà Nội là 445.500 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.782.000 đồng/bình công nghiệp 48 kg, không thay đổi so với giá tháng 6.
Theo ông Nghiêm Xuân Cường, Trưởng phòng Kinh doanh Gas dân dụng và Thương mại - Tổng Công ty Gas Petrolimex, giá gas bán lẻ trong nước tháng 7 không thay đổi là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 7 ở mức 572,5 USD/tấn, không thay đổi so với giá tháng 6 nên Tổng Công ty Gas Petrolimex giữ nguyên mức giá tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.
Trên thị trường thế giới, giá gas đảo chiều lao dốc hơn 3% vào sáng cuối tuần 29/6. Thị trường khí đốt châu Âu cũng giảm nhẹ do nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào nhưng vẫn được hỗ trợ bởi những lo ngại liên tục về nguồn cung. Cụ thể, giá gas vào 10h50 ngày 29/6 (giờ Việt Nam) giảm 3,13%, xuống mức 2,6 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 8/2024.
Theo Reuter, giá khí đốt bán buôn của Hà Lan và Anh giảm nhẹ vào thứ Sáu (28/6) trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào nhưng giá bán vẫn được hỗ trợ bởi những lo ngại liên tục về khả năng cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Ukraine.
Các nhà phân tích tại Công ty nghiên cứu thị trường năng lượng Energy Aspects (trụ sở tại London, Anh) cho biết vẫn có một số rủi ro với thị trường LNG khi lượng nhập khẩu qua đường ống của Nga sẽ bị cắt giảm trước cuối năm 2024, do các phán quyết trọng tài ngăn cản các công ty của Ba Lan và một số nước EU thanh toán các hợp đồng cung cấp khí đốt bằng đồng nội tệ ruble cho Tập đoàn Dầu khí Gazprom (doanh nghiệp năng lượng của Nga nắm trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới).
Tuy nhiên, Gazprom vẫn tiếp tục cung cấp khí đốt cho Hungary, Áo và Slovakia. Trước tình hình này, công ty năng lượng lớn nhất Ba Lan là Orlen cảnh báo rằng Orlen có thể giữ lại các khoản thanh toán cho Gazprom để nhập khẩu khí đốt tự nhiên như một phần trong tuyên bố chống lại gã khổng lồ khí đốt Nga về những tổn thất mà nước này phải gánh chịu.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()