Bà Kim Em, bán gạo hơn 30 năm ở chợ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, cho biết khoảng một tháng nay, giá gạo liên tục tăng nhanh. "Sáng tôi giao gạo sóc miên cho khách giá 16.000 đồng thì phải nhập vào giá 17.000 đồng một kg ngay sau đó. Mỗi ngày một giá", bà nói.
Giá gạo biến động nhanh khiến những người buôn bán như bà Kim Em không vui vì "khó mua bán hơn so với bình thường". Với những mối sỉ, bà không thể tăng giá bán đột ngột vì sợ mất mối lâu dài. Trong khi nguồn hàng nhập vào cũng gặp khó, vì bà bị đòi trả tiền liền, thậm chí bị đốc thúc khoản nợ cũ.
"Tôi chỉ nhập đủ bán trong vài ngày, không dám trữ số lượng lớn vì sợ giá giảm bán không kịp sẽ lỗ", bà Kim Em cho biết.
Chung tâm trạng, bà Thái Thị Bình chủ sạp hàng gần đó nói lúc trước nhập 50 bao gạo một chuyến, hiện chỉ dám lấy 10 bao, đủ bán cầm chừng. Kinh nghiệm nhiều năm trong nghề bà Bình cho rằng đợt tăng giá lần này khá giống với năm 2008, chỉ khác là người dân không ùn ùn mua gạo tích trữ. Năm đó, thấy gạo tăng nhanh, bà nóng vội trữ hàng song lỗ nặng khi giá giảm mạnh.
"Không riêng tôi, hiện nay dân buôn gạo đều không dám trữ hàng. Mua tới đâu bán tới đó", bà Bình chia sẻ.
Quan sát tại chợ TP Cao Lãnh, nhu cầu mua gạo của người dân không tăng mạnh. Mỗi người chỉ mua từ 10-20 kg một lần. Giá các loại gạo như 504 là 16.000 đồng một kg (gạo cũ), các loại gạo thơm dao động 16.000-17.000 đồng mỗi kg, gạo đặc sản, gạo sạch 18.000-20.000 đồng. Giá các loại này tăng trung bình 1.000-2.000 đồng một kg so với tuần trước. Giá bán sỉ cho các quán cơm, chủ hàng gạo thường thấp hơn 1.000 đồng mỗi kg so với giá lẻ.
Tại Cà Mau, giá gạo ở các chợ cũng tăng nhanh một tuần qua. Ông Sang, cửa hàng gạo ở chợ phường 4, TP Cà Mau cho biết các loại gạo tăng thêm 1.500-2.000 đồng một ký. Trước biến động giá nhanh, ông không trữ hàng quá nhiều. "Lúc trước, các đại lý báo giá lên xuống trước vài ngày, nay chỉ cách một ngày, thậm chí trong ngày thay đổi vài lần", ông Sang nói.
Tương tự, giá các loại gạo ở TP HCM tăng từng ngày. Trong đó, các loại gạo thơm được điều chỉnh tăng thêm 2.000 đồng so với tuần trước lên 18.000-25.000 đồng một kg. Với các loại gạo xốp, nở tăng từ 13.000 đồng lên 16.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, đại lý gạo ở quận Bình Tân, mỗi ngày nhà máy sản xuất báo giá gạo tăng thêm 300-500 đồng một kg. Trong đó, loại gạo nở xốp thường được bán cho các khu công nghiệp, trường học tăng giá mạnh nhất.
Tại cửa hàng gạo trên đường Quang Trung (Gò Vấp) giá nhiều loại gạo cũng vừa được điều chỉnh 500-1.000 đồng một kg. Theo đó, gạo thơm hoa sữa lên 17.000 đồng một kg, nở xốp mềm cơm 20.000 đồng, sơ ri cũ 15.000 đồng một kg.
Gạo tăng giá đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ mặt hàng này. Anh Phạm Thế Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Tinh Bột Xanh, trụ sở tại TP Sa Đéc, Đồng Tháp cho biết trung bình mỗi tháng nhà máy cần 45 tấn gạo để chế biến hủ tiếu, ống hút, con sò,... Theo anh, gạo 504 trước đây chỉ 10.000 đồng mỗi kg, nay lên 14.000-15.000 đồng một kg; gạo Hàm Châu cũng tăng giá thêm 4.000-5.000 đồng mỗi kg.
Theo chủ doanh nghiệp này, trung bình gạo tăng hơn 50% so với cách đây một tháng khiến các hợp đồng mà doanh nghiệp ký trước đó ba tháng đều trong tình trạng bù lỗ. "Trong lúc chờ thị trường bình ổn, nhà máy phải giảm một nửa công suất, đồng thời đàm phán kéo giãn thời gian giao hàng", anh Hải cho biết.
Tương tự, chị Mỹ Ngọc chủ lò bún ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết các cơ sở làm bún đang gồng lỗ 500-1.000 đồng mỗi kg khi giá gạo tăng sốt nửa tháng qua. Đặc thù nghề làm bún chuộng sử dụng gạo cũ vì tỉ suất sinh lời cao hơn. Thông thường giá gạo càng tăng, nguồn cung gạo cũ càng ít.
Anh Hợp chủ một cơ sở sản xuất hủ tíu gạo ở TP Cà Mau cho biết, nguyên liệu chính anh làm ra sản phẩm là gạo Hàm Châu. Thông thường anh dùng khoảng 5 tấn gạo trong khoảng một tháng, tốn khoảng 60 triệu đồng. "Nay gạo lên 2.000 đồng một ký khiến chi phí đội lên khá nhiều", anh nói và dự kiến tăng giá sản phẩm thời gian tới.
Tiến sĩ kinh tế Trần Hữu Hiệp, cho biết giá gạo tăng trong bối cảnh giá bán trong nước ngày càng tiệm cận với thế giới. Hiện nhu cầu gạo toàn cầu tăng, nguồn cung giảm do thời tiết cực đoan và các lệnh cấm xuất khẩu gạo gần đây của các quốc gia. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao kỷ lục kể từ năm 2008, lên 660 USD mỗi tấn loại 5% tấm.
"An ninh lương thực ngoài việc đảm bảo cho người dân đủ lương thực với giá chấp nhận được, đồng thời phải tôn trọng quy luật cung cầu, kinh tế và công bằng xã hội, tức đảm bảo hài hoà lợi ích của các tác nhân trong ngành", ông nói.
Ngày 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 24 về đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Chỉ thị nhấn mạnh tận dụng thời cơ giá gạo lên cao để tăng xuất khẩu, nâng thu nhập người dân đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. "Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước", Thủ tướng nêu quan điểm.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng các bộ, địa phương rà soát quy hoạch, vùng trồng, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa một năm. Bộ này cùng Bộ Công Thương, các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực, thế giới; tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết dự kiến năm 2023, cả nước gieo trồng 7,1 triệu ha lúa, sản lượng đạt trên 43 triệu tấn (tương đương hơn 20 triệu tấn gạo). Đến đầu tháng 8, các địa phương đã thu hoạch hơn 24 triệu tấn lúa.
Từ nay đến cuối năm, nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa thu hoạch sẽ đảm bảo nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Lượng lúa dành cho xuất khẩu khoảng trên 15 triệu tấn (tương đương 7-7,5 triệu tấn gạo).
Ý kiến ()