Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:32 (GMT +7)
Giá gạo cao kỷ lục: Có nên tăng cường xuất khẩu gạo?
Thứ 4, 23/08/2023 | 08:45:51 [GMT +7] A A
Chuyên gia cho rằng, câu chuyện xuất khẩu gạo không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh doanh mà là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới.
Giá gạo tăng từng ngày
Sau Ấn Độ, một số quốc gia như Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)… cấm xuất khẩu gạo càng làm cho thị trường lúa gạo toàn cầu chao đảo. Đây được xem là cơ hội lớn cho gạo xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, Nhà nước cần có chính sách kịp thời, phù hợp, vừa tận dụng thời cơ nhưng phải đảm bảo ổn định tình hình…
Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, gạo là mặt hàng chiến lược liên quan đến đời sống cơ bản của người dân, gắn với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế.
Trên thế giới, số lượng quốc gia có thể sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu của chính mình và còn xuất khẩu được thì không nhiều. Việt Nam chúng ta là một trong số đó.
Do đó, trong bối cảnh khó khăn về nguồn cung như hiện tại, cả thế giới đang dõi theo từng hành vi, động thái của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Do vậy, bên cạnh lợi ích kinh tế, xuất khẩu gạo còn là câu chuyện thương hiệu và uy tín quốc gia trong ứng xử với quốc tế, khi Việt Nam là một trong những nước có vai trò quan trọng trong đảm bảo hoạt động hiệu quả của thị trường gạo thế giới, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực ổn định và phát triển bền vững của rất nhiều quốc gia.
"Nhiều bài toán đặt ra ở thời điểm hiện tại, một mặt trước hết đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong mọi tình huống, ổn định thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô; mặt khác vẫn tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng lợi ích kinh doanh giữa các thành phần tham gia thị trường gắn với giữ chất lượng sản phẩm, đảm bảo thương hiệu gạo Việt. Đây là hướng đi đúng, hợp lý", TS Võ Trí Thành nói.
Theo TS Võ Trí Thành, giá gạo đang tăng mạnh, ẩn chứa đằng sau là 2 lí do chính: Thứ nhất là xung đột địa chính trị, làm cho nguồn cung lương thực và các loại nguyên vật liệu đầu vào (cho sản xuất lương thực) bị hạn chế, gián đoạn.
Thứ hai là thời tiết cực đoan, với sự xuất hiện của hiện tượng El Nino, nguy cơ giảm sản lượng lương thực nói chung và lúa gạo nói riêng là hiện hữu, vậy nên các quốc gia đang lo lắng cho nguồn cung phục vụ nhu cầu nội địa.
Đối với cung ứng nội địa, việc đảm bảo an ninh lương thực cần hiểu đúng theo 2 nghĩa: đảm bảo có đủ và đảm bảo tiếp cận được. Đảm bảo có đủ, tức phải đảm bảo nguồn cung cho người dân, dự trữ ổn định. Để làm được điều này, việc đảm bảo nguồn cung này cần tính toán kĩ lưỡng, vượt trên ngưỡng thông thường, xét đến bối cảnh khó đoán định thời gian tới.
Đảm bảo tiếp cận được, tức người dân phải mua được, với giá bình ổn, tránh để giá tăng cao theo xu hướng chung của thế giới, ảnh hưởng đến lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Tôi cho rằng, việc theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, các kho để kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn đầu cơ, găm hàng lúc này là hết sức cần thiết.
Hiện nay, các địa phương trên cả nước cũng đang quán triệt công tác bình ổn thị trường đối với mặt hàng gạo rất chặt chẽ. Về cơ bản, giá trong nước ở thời điểm này tất nhiên có tăng, nhưng vẫn ổn định.
Đối với doanh nghiệp, vấn đề của thị trường gạo hiện nay là vấn đề thời điểm. Thời điểm đàm phán, thời điểm ký kết hợp đồng, thời điểm thu mua từ người nông dân,… có độ vênh về giá, bởi giá gạo thay đổi từng ngày, và bên nào cũng muốn hưởng lợi lớn nhất trong kinh doanh", TS Võ Trí Thành cho hay.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()