Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:07 (GMT +7)
Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc
Chủ nhật, 26/06/2022 | 07:14:42 [GMT +7] A A
“Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” tiếp tục được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là chủ đề nhân dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và truyền thông về Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) năm 2022. Qua đó, nhằm đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác gia đình đối với sự nghiệp phát triển đất nước, đồng thời tôn vinh, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Nền tảng để xã hội hạnh phúc
Gia đình ông Lê Hồng Cầu (khu 4, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) là gia đình có ba thế hệ sinh sống dưới một mái nhà. Trong suốt nhiều năm qua, gia đình ông luôn được mọi người xung quanh quý trọng, coi là tấm gương gia đình văn hóa bởi chưa bao giờ để xảy ra bất hòa, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của tổ dân, khu phố. Gia đình ông cũng vinh dự là một trong số 89 gia đình được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện công tác gia đình và PCBLGĐ giai đoạn 2001-2021.
Ông Lê Hồng Cầu, chia sẻ: Mỗi thành viên của gia đình ở các độ tuổi, thế hệ khác nhau, vì vậy, để dung hòa, có tiếng nói chung trong sự khác biệt về suy nghĩ, lối sống của từng người, gia đình tôi luôn giữ nếp sinh hoạt quây quần bên nhau đông đủ vào bữa cơm tối và các dịp cuối tuần, lễ, tết, để cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về công việc, cuộc sống cũng như hỗ trợ nhau tháo gỡ những khó khăn kịp thời. Nhờ sự thấu hiểu, dành thời gian cho nhau, gia đình tôi đã luôn gắn kết, cùng nhau biết trân quý, vun đắp những giá trị cốt lõi của gia đình, đó là sức khỏe, sự bình an và hạnh phúc của mỗi thành viên.
Bám sát kế hoạch tổ chức các hoạt động nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tăng cường tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng thiết thực.
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình như: Chỉ thị số 06-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình”, Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình... qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hội thi, tọa đàm, tập huấn...
Trong hai ngày 25-26/6, Sở Văn hóa - Thể thao tổ chức hội thi “Cha trách nhiệm, mẹ thảo hiền, con cái chăm ngoan”. Thông qua hình thức chương trình văn nghệ tuyên truyền tổng hợp (thi văn nghệ, hùng biện, tiểu phẩm tuyên truyền) về chủ đề gia đình, hội thi nhằm tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, không ngừng vun đắp thêm những giá trị chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bền vững của gia đình.
Tiếp tục chăm lo công tác gia đình
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định mục tiêu: Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho thấy gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội.
Hết năm 2021, toàn tỉnh có 95% số hộ đạt gia đình văn hóa. Để có được kết quả này, hằng năm, tỉnh đều ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch và bố trí, dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác gia đình, đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông gắn với các Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia PCBLGĐ (tháng 6), Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (tháng 11)... giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của gia đình.
Tiêu biểu, Sở Văn hóa - Thể thao đã chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức 6 hội nghị truyền thông cộng đồng về đẩy mạnh giáo dục đạo đức lối sống gia đình tại Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả, Móng Cái; phát động cuộc thi viết về gia đình và PCBLGĐ thu hút trên 6.100 bài dự thi của 18 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 50 hội nghị tập huấn về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; kiến thức cho cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo vệ trẻ em qua mạng; phòng chống mại dâm và các tệ nạn xã hội cho trên 15.000 người. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tổ chức 16 lớp tập huấn cho gần 1.000 hội viên phụ nữ về kiến thức PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện nếp sống văn minh...
Cùng với đó, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ hội viên, phụ nữ chủ động phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo đời sống vật chất đầy đủ, tạo cơ sở chăm lo gia đình hạnh phúc. Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện 493 loại mô hình kinh tế theo quy mô tổ/nhóm và hộ gia đình với 8.717 thành viên tham gia, đã giúp đỡ 915 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững.
Bằng những việc làm thiết thực, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc. Một trong những việc làm thiết thực đó chính là xây dựng và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 113 mô hình CLB PCBLGĐ theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 478 nhóm PCBLGĐ; 907 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 176 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; 382 CLB gia đình phát triển bền vững, CLB “Gia đình nuôi dạy con tốt”... Mô hình các CLB đã tạo môi trường lành mạnh, bổ ích để nhân dân cùng giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần một cách toàn diện, góp phần đưa công tác gia đình ngày càng phát triển đi vào chiều sâu.
Ý kiến người trong cuộc
Bà Trần Thị Thoan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu: “Đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định đời sống” Bình Liêu là huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao. Chính từ đời sống kinh tế không ổn định, dẫn đến việc một bộ phận người dân chưa dành sự quan tâm, chăm lo đến trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc. Năm 2022, toàn Hội đã đăng ký hỗ trợ giúp đỡ 105 hộ hội viên, phụ nữ thoát nghèo và cận nghèo thông qua các hoạt động trao tặng cây, con giống, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi; ủy thác với các ngân hàng cho hội viên vay vốn ưu đãi; tăng cường xã hội hóa các nguồn lực hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo xây nhà ở... Chúng tôi tin tưởng với sự hỗ trợ kịp thời, giúp các hội viên phát triển kinh tế, tạo thu nhập ổn định cuộc sống sẽ là cơ sở quan trọng để mỗi gia đình, mỗi cá nhân hội viên, phụ nữ tự giác nâng cao ý thức chăm sóc gia đình tốt hơn về cả vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho con cái được học tập, vui chơi đầy đủ. |
Bà Dương Thị Hậu, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tiên Yên: “Làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành triển khai hiệu quả công tác gia đình” Thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan từ huyện đến cơ sở ở Tiên Yên đã tích cực phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện công tác gia đình. Đặc biệt, thông qua các hoạt động truyền thông phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng đã góp phần từng bước nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội. Theo đó, các ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các gia đình tại phố đi bộ vào dịp cuối tuần; duy trì hiệu quả các mô hình CLB "Gia đình yêu thương", CLB "Phòng, chống bạo lực gia đình", CLB "Gia đình 5 không, 3 sạch"... cũng như tổ chức các cuộc thi thể thao gia đình, thi nấu ăn gia đình nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ Gia đình Việt Nam 28/6; Quốc tế phụ nữ 8/3... Qua đó, đã tạo thêm cơ hội, môi trường để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình đồng thời để các gia đình tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, văn hóa. |
Ông Vũ Công Ngọc, khu 6, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long: “Ông bà, cha mẹ phải gương mẫu để con cháu noi theo” Tại Việt Nam, hình ảnh gia đình sống 4 thế hệ, 3 thế hệ không còn xa lạ. Trong gia đình như vậy thì việc gìn giữ văn hóa ứng xử giữa con cái với bố mẹ, con cháu với ông bà và ngược lại là vô cùng quan trọng. Nhưng muốn gìn giữ được văn hóa ứng xử yêu thương, “kính trên, nhường dưới” ấy, thì trước tiên ông bà, cha mẹ phải gương mẫu để con cháu noi theo. Bởi ông bà, cha mẹ là bậc sinh thành, nuôi dưỡng con cháu song cũng là những người từng trải, có kinh nghiệm vốn sống, kỹ năng sống rất phong phú, đa dạng. Do đó, mỗi hành động, lời nói của ông bà, cha mẹ đều có tác động sâu sắc tới nhận thức, hành vi, suy nghĩ và tình cảm của con cháu. Tôi nghĩ rằng, để giữ gia đình hòa thuận, đầm ấm yên vui, ngoài thể hiện sự gương mẫu trong lối sống, ông bà, cha mẹ cần phải hiểu biết cách thức kỹ năng nuôi dạy con cháu, hiểu biết tâm lý tình cảm nhận thức của con cháu để có những tác động tích cực và kịp thời uốn nắn những thiếu sót. Đó cũng là cách thể hiện văn hóa ứng xử văn minh trong mỗi gia đình. |
Cô giáo Phạm Thanh Hải, Trường Hội nhập Quốc tế Ischool Cẩm Phả (TP Cẩm Phả): “Đa dạng hình thức giáo dục cho thế hệ trẻ về các giá trị tốt đẹp của gia đình” Từ việc giáo dục ngay từ gia đình thì nhà trường và xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đó là giá trị đạo đức, giá trị về tình yêu thương, chia sẻ, bao dung, nhường nhịn, bình đẳng... - những giá trị căn cốt tạo nên một gia đình bền vững. Vì vậy, ngoài việc dạy lý thuyết các nhà trường cũng cần quan tâm hơn đến việc bồi dưỡng kỹ năng sống, cách xử lý tình huống cụ thể từ những vấn đề phát sinh trong đời sống gia đình hằng ngày để các em được trang bị những kiến thức đầy đủ, cơ bản về xây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình, chủ động phòng, tránh bạo lực gia đình... Từ đó, tạo nền tảng quan trọng để khi trưởng thành sẽ có nhận thức tốt, hành động đúng trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. |
Nguyễn Dung
- Đầm Hà: Tập huấn triển khai “Gia đình hạnh phúc, không định kiến giới”
- Bạo hành gia đình - nỗi đau khó phát hiện sau cánh cửa mỗi ngôi nhà
- Quốc hội thảo luận về dân chủ cơ sở và phòng, chống bạo lực gia đình
- Phụ nữ Hạ Long với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”
- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của toàn xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()