Hiện tại, mỗi thùng dầu WTI có giá 81,3 USD. Tuần trước, dầu này tăng gần 5% khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách Zero Covid, làm dấy lên kỳ vọng nước này tăng tiêu thụ nhiên liệu. Dầu Brent hiện giao dịch quanh 87 USD.
Hôm 4/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên mức sản xuất hiện tại, nhằm có thêm thời gian đánh giá thị trường toàn cầu trong thời kỳ nhiều biến động. Hôm nay, lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu có hiệu lực.
Trước đó, EU cùng các nước G7 đã thống nhất áp trần giá 60 USD lên dầu Nga xuất khẩu. Mục đích là trừng phạt Nga về mặt tài chính, nhưng vẫn duy trì dòng chảy dầu trên thế giới. Phó thủ tướng Nga Alexander Novak đã phản đối chính sách này, tuyên bố sẵn sàng giảm sản xuất nếu cần thiết.
Năm nay, giá dầu thế giới liên tục biến động, do chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước để đối phó lạm phát. Tuần trước, sau khi xuống thấp nhất một năm, giá dầu WTI đã hồi phục trở lại.
"Hiện chưa rõ liệu chính sách trần giá có đảm bảo được dòng chảy của dầu Nga sang châu Á không? Hay là nó sẽ càng gây gián đoạn thêm nếu Moskva cố tình giảm sản xuất hoặc các nước ngại rủi ro", Helima Croft – nhà phân tích tại RBC Capital Markets nhận định.
Giới buôn dầu vài tuần gần đây cũng hướng sự chú ý sang Trung Quốc, do nước này thay đổi chính sách phòng dịch. Nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu vài ngày qua đã nới lỏng phong tỏa, tăng tốc mở cửa trở lại.
Ý kiến ()