Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:54 (GMT +7)
Giá dầu thế giới giảm tuần thứ 5 liên tiếp
Thứ 7, 27/11/2021 | 16:07:53 [GMT +7] A A
Mặc dù đi lên trong hai phiên giao dịch đầu tuần này, song đà giảm dần về cuối tuần do Mỹ khởi xướng làn sóng giải phóng kho dự trữ dầu mỏ chiến lược thu hút sự tham gia của nhiều nước lớn, cũng như thông tin về biến thế mới của virus SARS-CoV-2 gây quan ngại trên toàn cầu.
Giá dầu đi lên trong hai phiên giao dịch liên tiếp vào đầu tuần này giữa những đồn đoán rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất đồng minh, còn gọi là OPEC+, có thể điều chỉnh các kế hoạch nhằm nâng sản lượng nếu các nước tiêu thụ "vàng đen" hàng đầu giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược của họ hoặc nếu đại dịch COVID-19 đe dọa nhu cầu tiêu thụ. Thậm chí, giá dầu Brent còn ghi nhận mức tăng phần trăm lớn nhất tính theo ngày kể từ tháng 8/2021.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết tác động này đối với giá dầu có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn sau nhiều năm đầu tư sụt giảm và sự phục hồi mạnh của kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19. Các cuộc thảo luận về việc cùng “giải phóng” dầu từ kho dự trữ, đồng USD mạnh lên và khả năng nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng bởi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ở châu Âu đã khiến giá dầu Brent giảm hơn 10% kể từ khi chạm mức cao nhất trong ba năm vào ngày 25/10 vừa qua.
Giới đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc mở kho dự trữ dầu do Mỹ kêu gọi và đón đợi phản ứng từ các nước sản xuất dầu, khiến giá mặt hàng này liên tục đi xuống trong ba phiên giao dịch còn lại của tuần này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch xuất 50 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược cùng với sự phối hợp của các quốc gia tiêu thụ lớn khác, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, để cố gắng “hạ nhiệt” thị trường năng lượng. Tuy nhiên, OPEC cảnh báo rằng, động thái này sẽ làm nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ tăng thêm 1,1 triệu thùng/ngày. OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 1-2/12 để bàn thảo về chính sách sản lượng.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow có trụ sở tại Houston, cho biết hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư trong các phiên này thiếu định hướng rõ ràng vì thời gian các nước mở kho dự trữ dầu chiến lược vẫn chưa chắc chắn.
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch cuối cùng của tuần này (ngày 26/11), giá dầu thế giới giảm tới khoảng 10 USD mỗi thùng, đánh dấu mức giảm theo ngày mạnh nhất kể từ tháng 4/2020. Thông tin về biến thể B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện ở Nam Phi khiến giới đầu tư hoang mang và làm tăng thêm lo ngại rằng nguồn cung dầu dư thừa có thể tăng lên trong quý I/2022.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt lại tên cho biến thể mới là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể “đáng quan ngại”. Nhằm ngăn chặn nguy lây nhiễm biến thể mới, nhiều nước đã ban hành lệnh tạm thời ngừng hoạt động vận tải hàng không từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 10,24 USD (13,1%), xuống 68,15 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc hạ 9,5 USD (11,6%), xuống 72,72 USD/thùng. Tính chung cả tuần qua, giá dầu WTI mất 10,4%, còn giá dầu Brent sụt hơn 8%.
Cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần giảm thứ năm liên tiếp và là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, khi giá dầu WTI lần đầu tiên “tụt” xuống mức âm giữa bối cảnh dư cung quá nhiều do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA cho biết: “Nỗi lo ngại lớn nhất là biến thể Omicron sẽ kháng lại vaccine và trở thành 'đòn giáng' nặng nề với các quốc gia đã nỗ lực nhiều để đạt được các thành quả từ việc triển khai các chương trình tiêm chủng”.
OPEC+ cũng đang theo dõi các diễn biến của biến thể này. Một số quan chức OPEC+ bày tỏ lo ngại rằng nó có thể làm xấu đi triển vọng thị trường dầu, khi mà chỉ chưa đầy một tuần nữa OPEC+ tiến hành cuộc họp để thiết lập chính sách sản lược.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()