Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:40 (GMT +7)
Giả danh Sở Y tế kiểm tra quán ăn để kiếm tiền 'lo lót'
Thứ 7, 28/09/2024 | 08:23:49 [GMT +7] A A
Trong cùng một ngày, Sở Y tế tỉnh Bình Phước và TP.HCM đã đồng loạt ra thông báo khẩn về việc bị mạo danh để kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Với cùng thủ đoạn, kẻ gian đã gửi văn bản thông báo kiểm tra, giám sát cơ sở qua mạng xã hội Zalo nhằm hù dọa các cơ sở kinh doanh để chiếm đoạt tài sản.
Gây hoang mang để chuyển tiền "lo lót"
Tại TP.HCM, trong hai ngày 25 và 26-9 Công an TP.HCM đã ghi nhận vụ việc một số người giả danh cán bộ ngành y tế gọi điện thoại cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau đó đề nghị cơ sở kinh doanh kết bạn qua mạng xã hội Zalo để gửi quyết định thông báo đến giám sát, kiểm tra cơ sở.
Những người này gửi một số tài liệu mạo danh Sở Y tế ký ban hành đến các cơ sở kinh doanh như quyết định và thông báo của Sở Y tế về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP. Họ đã lấy mẫu hình thức tương tự văn bản của cơ quan nhà nước để cắt ghép.
Tương tự, tại Bình Phước, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Phước cũng đã nhận tin nhắn kèm hình ảnh từ đại diện một nhà hàng trên địa bàn hỏi về hai văn bản thông báo kiểm tra, giám sát của sở.
Hình ảnh gồm quyết định 115 về việc thành lập đoàn kiểm tra, giám sát của Sở Y tế Bình Phước và thông báo 01 về việc đoàn kiểm tra, giám sát sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gửi đến một nhà hàng ở xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài.
Tuy nhiên qua kiểm tra thông tin và hình ảnh người dân gửi, Sở Y tế Bình Phước khẳng định không ban hành quyết định và thông báo trên. Hai văn bản trên hoàn toàn là giả mạo.
Trao đổi với PV, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết cũng nhận được thông báo về việc giả danh sở y tế xuống kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đơn vị đã nhanh chóng thông báo khẩn đến người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn mạo danh thanh tra. Những người này đánh vào tâm lý hoang mang của những cơ sở làm ăn luộm thuộm, sợ thanh tra.
"Trước khi Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đi thanh tra theo kế hoạch đều gửi thông báo bằng giấy tờ trực tiếp về thời gian thanh tra cho các đơn vị. Còn thanh tra đột xuất cũng sẽ có quyết định khi đến, đơn vị thường phối hợp với lực lượng địa phương.
Ngoài ra, danh sách các cơ sở thanh tra theo kế hoạch hằng năm đều phải gửi Thanh tra TP phê duyệt để tránh trùng lặp. Nếu có thanh tra đột xuất cũng phải có cơ sở thông tin, đoàn đi thanh tra phải đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn", bà Lan nói.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn TP sẽ do Sở An toàn thực phẩm đảm nhận. Sở này khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước những thông tin, chiêu trò lừa đảo trên.
Nếu nhận được thông báo như trên hãy liên hệ với Sở An toàn thực phẩm qua đường dây nóng 028.39301714 hoặc cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Còn bà Đỗ Thị Nguyên - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho biết hiện có hai đơn vị thanh tra và kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Cụ thể, hoạt động thanh tra là chức năng của Thanh tra sở, còn kiểm tra là chức năng của sở và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất do giám đốc sở ký ban hành.
Khoảng hai tháng trước, sở cũng ban hành quyết định về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, khám chữa bệnh và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, sở cũng thành lập tổ tiếp nhận đường dây nóng, công bố số điện thoại trên website của sở cũng như các phương tiện truyền thông.
Khi người dân, doanh nghiệp nghi ngờ vấn đề nào có thể báo cho thành viên của tổ thông qua đường dây nóng (0967.871.818) hoặc số điện thoại của chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (0918.141.369). Thành viên trong tổ sẽ nắm bắt, phản hồi lãnh đạo sở để có hướng kiểm tra, thanh tra hoặc các biện pháp khác.
Đến nay, đường dây nóng của sở cũng nhận được một số thông tin từ người dân nhưng đã được giải đáp luôn. "Đây là lần đầu sở nhận được phản ảnh mạo danh như trên. Ngay trong đêm, sở ban hành công văn khẩn cảnh báo gửi các cơ quan chức năng, đơn vị trực thuộc và người dân để nâng cao cảnh giác, tránh bị lừa đảo", bà Nguyên nói.
Cũng theo bà Nguyên, trước đây các thông tin được đăng trên website chính thức của sở để người dân nắm bắt. Thời gian tới, sở sẽ cho thiết kế và quản lý nhóm mạng xã hội của sở nhằm tăng cường tuyên truyền, cảnh báo và ngăn chặn các trường hợp mạo danh sở để lừa đảo. Đồng thời cung cấp thông tin cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân.
Sở Y tế có quyền kiểm tra an toàn thực phẩm? Bác sĩ Hồ Văn Hân - chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết tháng 12-2023 UBND TP đã tổ chức hội nghị công bố thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM cùng với quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm. Như vậy từ năm 2024 trở đi, Thanh tra Sở Y tế không còn chức năng thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm thuộc UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn cấp tỉnh... |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()