Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 06:18 (GMT +7)
Giá Bitcoin rớt mạnh
Thứ 2, 19/09/2022 | 22:14:41 [GMT +7] A A
Theo dữ liệu của CoinMarketCap ngày 19/9 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - đã lao dốc một mạch từ 19.700 USD/đồng về 18.400 USD/đồng rồi phục hồi nhẹ lên 18.700 USD/đồng, giảm gần 6% so với 24 giờ trước đó.
Như vậy, giá Bitcoin đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng. Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, giá Ether giảm 8,17% về 1.316 USD/đồng, giá Cardano giảm 7,51% về 0,44 USD/đồng, giá XRP giảm 6,81% về 0,35 USD/đồng, giá Dogecoin giảm 6,46% về 0,056 USD/đồng.
Trong vòng 24 giờ qua, hơn 50 tỷ USD đã bốc hơi khỏi giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa.
Giá Bitcoin lao dốc mạnh khi giới đầu tư lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay trong cuộc họp diễn ra vào tuần này. Các chuyên gia của Bloomberg dự báo FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp trong năm nay.
Theo giới quan sát, việc FED tiếp tục nâng lãi suất sẽ khiến lãi suất tăng lên 4% trong vài tháng tới và duy trì trên ngưỡng này vào năm 2023.
"Giá Bitcoin lao dốc khi Chủ tịch FED Jerome Powell dường như không hề nao núng trong việc thắt chặt chính sách để đối phó với lạm phát", ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Mỹ trả lời.
"Niềm tin của nhà đầu tư đã suy yếu khi FED quyết liệt kìm hãm lạm phát, ngay cả khi phải trả giá bằng một cuộc suy thoái kinh tế", ông nói thêm.
Lãi suất tăng cao sẽ khiến chi phí vay và chi phí cơ hội của các khoản đầu tư rủi ro tăng lên. Trong khi đó, triển vọng kinh tế xấu đi cũng tác động tới niềm tin và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ.
FED đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, nhưng ông Powell khẳng định vẫn chưa thể "dừng hoặc tạm ngừng tăng lãi suất", ngay cả khi việc này có thể cản trở tăng trưởng kinh tế.
Tại cuộc họp vào cuối tháng 8, ông Powell khẳng định việc bình ổn giá cả đòi hỏi phải kiên quyết duy trì lập trường. "Lịch sử chứng minh rằng nới lỏng chính sách quá sớm có thể mang tới tai họa lớn", lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ khẳng định.
Thêm vào đó, theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo trước đó của giới quan sát.
"Báo cáo lạm phát của Mỹ dập tắt kỳ vọng của nhà đầu tư về việc FED sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách", ông Edward Moya bình luận.
Theo dữ liệu của CME Group, sau báo cáo lạm phát của Mỹ, các nhà giao dịch đã loại bỏ hoàn toàn khả năng FED nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp sắp tới. Giới đầu tư dự báo khả năng FED tăng 1 điểm phần trăm lên tới 10%.
Sức mạnh của đồng USD"Môi trường vĩ mô vẫn bất ổn, trong khi đồng USD vẫn duy trì ở mức cao. Điều này ảnh hưởng đến mọi tài sản rủi ro", ông Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno - nói với CNBC.
"Chỉ khi sức mạnh của đồng USD giảm đi, các tài sản rủi ro như Bitcoin mới có thể tăng trở lại", vị chuyên gia nói thêm.
Trong vòng 24 giờ qua, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chủ chốt khác - có lúc vượt ngưỡng 110,2 điểm rồi điều chỉnh về hơn 109,9 điểm. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này đã tăng gần 25%.
Giá Ether lao dốc mạnh ngay cả sau đợt nâng cấp lớn, được kỳ vọng sẽ cải thiện tính bảo mật và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng của mạng lưới Ethereum.
Theo ông Anto Paroian - Giám đốc điều hành của quỹ đầu cơ ARK36, việc nâng cấp đã được thể hiện trong giá từ trước. Trong khi đó, triển vọng kinh tế vĩ mô tiêu cực vẫn là trở ngại lớn đối với đà tăng trưởng của tài sản này.
Ngoài tiền mã hóa, các thị trường hàng hóa như vàng, bạc và dầu cũng đỏ lửa khi nhà đầu tư chờ đợi quyết định tiếp theo của FED.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()