Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 18:56 (GMT +7)
“Ghi tên trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO là cách tốt nhất để bảo tồn di sản”
Chủ nhật, 29/10/2023 | 09:38:19 [GMT +7] A A
Với vai trò Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam từ tháng 10/2021-5/2023, ông Christian Manhart (ảnh) luôn đồng hành với Quảng Ninh trong nỗ lực cân bằng giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (VHL), nhất là giai đoạn ngay sau đại dịch Covid-19. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phỏng vấn ông Christian Manhart về các dự án và chương trình bảo vệ, phát huy giá trị di sản mà Quảng Ninh đã và đang triển khai, xu hướng phát triển du lịch bền vững tại đây.
- Thưa ông, trong số các di sản của UNESCO, điều gì khiến VHL trở nên khác biệt? + VHL có cảnh sắc rất ngoạn mục với những cấu trúc địa chất độc đáo và thiên nhiên đẹp nổi trội, ấn tượng. Đây chính là yếu tố khiến Hạ Long trở thành một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất thế giới, có sức hấp dẫn to lớn với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta cần bảo vệ VHL khỏi những tác động tiêu cực của du lịch đại trà và việc xây dựng hạ tầng để giữ được sức hút đó, đồng thời truyền lại những giá trị và vẻ đẹp của VHL cho thế hệ tương lai. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải dừng các công trình xây dựng và du lịch trong khu vực, nhưng chúng ta cần hài hòa phát triển với bảo tồn thiên nhiên, hạn chế tối đa các tác động trực quan, trông thấy của việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó chúng ta phải tìm ra những phương thức tốt hơn để quản lý tốt việc xây dựng cơ sở hạ tầng và phân luồng du lịch. |
- Được biết, Dự án “Đánh giá sức tải Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long” là một trong những dự án nổi bật mà Văn phòng UNESCO tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh và Ban Quản lý VHL tiến hành thời gian qua. Với dự án này, UNESCO kỳ vọng gì?
+ Trong 3 năm qua, UNESCO cùng chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp thực hiện dự án đánh giá sức tải Di sản Thiên nhiên thế giới VHL. Kết quả thu được là rất cụ thể, đồng thời là cơ sở để chúng ta đưa ra những quyết sách và bước đi tiếp theo.
Sau khi thu thập và phân tích số liệu, UNESCO đã phối hợp với tỉnh tổ chức Hội thảo “Sức tải Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Quản trị phát triển du lịch bền vững” vào tháng 5/2022. Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua đó các chuyên gia tư vấn quốc tế đã đưa ra lời khuyên để chúng ta hài hòa các hoạt động phát triển kinh tế du lịch với công tác bảo tồn, chuyển hướng tiếp cận phát triển du lịch bền vững hơn, hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường. UNESCO hiện đang làm việc với Ban Quản lý VHL để lên phương án điều phối khách và cách thức quản trị du lịch, ví dụ như giảm tải cho một số cảnh điểm trên VHL.
Cũng phải nói thêm rằng, ở Việt Nam, VHL là di sản thế giới đầu tiên được tiến hành đánh giá sức tải. Tôi cho rằng, các bạn là mô hình để các địa phương khác học tập và với việc hỗ trợ VHL, chúng tôi mong muốn các di sản thế giới khác tại Việt Nam cũng sẽ tiến hành những dự án đánh giá tương tự.
- Trước sự phát triển nóng của du lịch, UNESCO sẽ làm gì để đảm bảo sự phát triển bền vững của di sản?
+ Đó thực sự là một thách thức, vì chúng ta phải cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Với các dự án mới được đề xuất triển khai, nếu chỉ cân nhắc tới lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài của việc bảo tồn, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để có những khuyến nghị kịp thời.
- Trong trường hợp các khuyến nghị của UNESCO không được lắng nghe và cân nhắc thì những hành động nào sẽ được tiến hành tiếp theo?
+ Trước hết phải nói rằng, tại Việt Nam chúng tôi nhận được sự phối hợp tuyệt vời không chỉ ở cấp cơ quan quản lý di sản, mà của tất cả các cấp chính quyền. Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và các cơ quan kể trên thường xuyên duy trì trao đổi. Chúng tôi cảm thấy may mắn vì cơ quan chính quyền cao nhất thấu hiểu giá trị của việc phát triển bền vững di sản thế giới. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc bảo tồn di sản, vì các bạn nhận thấy những cơ hội phát triển lâu dài, bền vững, chứ không chỉ là những lợi ích ngắn hạn trước mắt.
Ngược lại, với một số trường hợp, ở một số quốc gia, chính phủ các nước không hợp tác với UNESCO thì chúng tôi sẽ chuyển những khuyến nghị lên Ủy ban Di sản thế giới để đưa những di sản không được quan tâm đúng mức vào danh sách “bị đe dọa”. Đó là bước đi đầu tiên.
Nếu biện pháp này không có hiệu quả thì bước đi cuối cùng là loại bỏ di sản đó khỏi danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Ở đây, chúng tôi không phải là cơ quan có quyền ra quyết định mà là Ủy ban Di sản thế giới. Quyết định sẽ chỉ được đưa ra sau rất nhiều năm thảo luận và trao đổi, để chính phủ quốc gia có di sản nằm trong danh sách “bị đe dọa” có cơ hội và thời gian điều chỉnh. Ví dụ, thung lũng Elbe ở Dresden của nước Đức - quê hương của tôi, cũng bị hủy niêm yết khỏi danh sách Di sản thế giới vì cho phép xây dựng cầu cao tốc trong vùng lõi của di sản.
Đây là một quá trình rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc một địa điểm được ghi tên trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO sẽ là cách tốt nhất để bảo tồn di sản đó trong dài hạn.
- Thời gian gần đây, du lịch xanh đang được đề cập đến rất nhiều. Theo ông, dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch bền vững trong du lịch như thế nào?
+ Dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn với ngành du lịch trên quy mô toàn cầu, khiến 90% di sản thế giới phải đóng cửa. Giờ đây chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, suy nghĩ về những mô hình mới. Tôi cũng cho rằng, chúng ta sẽ không thể quay trở lại trạng thái trước đây nữa, mà phải phát triển các mô hình bền vững hơn, những mô hình phát triển quan tâm hơn tới bảo tồn thiên nhiên, di sản văn hóa và cộng đồng dân cư.
Nhu cầu của du khách đã thay đổi. Họ mong muốn có nhiều trải nghiệm hơn, những trải nghiệm nguyên bản, những câu chuyện liên quan đến điểm đến... Du lịch đại trà giờ đây cũng không còn được ưa chuộng nữa. Quảng Ninh cũng đang hướng đến các mô hình phát triển du lịch bền vững phù hợp hơn.
- Ông đánh giá thế nào về các sản phẩm du lịch hiện có trên VHL?
+ Hạ Long đã có khá nhiều hoạt động văn hóa du lịch, như lễ hội Carnaval. VHL cũng có những tour đi tàu ngắm cảnh, nhưng tôi nghĩ sẽ thú vị hơn nữa nếu phát triển được các hoạt động du lịch trên đảo, du lịch thể thao. Tôi cho rằng, VHL nên đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tập trung vào các hoạt động thể thao để giữ chân du khách, khiến họ ở lại lâu hơn. Hiện thời gian lưu trú của du khách còn khá ngắn. Nếu họ lưu lại lâu hơn thì không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn cho địa phương, mà cũng thân thiện hơn với môi trường.
- Các di sản UNESCO khác trên thế giới, họ có cách tiếp cận tương tự như VHL đối với phát triển du lịch bền vững không thưa ông? Bài học kinh nghiệm nào mà VHL có thể học hỏi từ họ?
+ Trước khủng hoảng Covid-19, chúng tôi nhận thấy rằng các di sản thiên nhiên thế giới, di sản phi vật thể, các di sản địa chất, các khu bảo tồn đang thu hút ngày càng đông du khách ghé thăm. Đôi khi lượng khách đến những di sản này là quá đông, không chỉ ở các di sản thế giới tại Việt Nam mà ở nhiều nơi khác trên thế giới. Sau Covid-19, chúng tôi đặc biệt tìm kiếm những mô hình du lịch có trách nhiệm, bền vững hơn với sự bảo tồn di sản.
Chúng ta nên phát huy vai trò của người dân địa phương trong phát triển các mô hình du lịch. Chính họ sẽ trở thành yếu tố hấp dẫn du lịch lớn nhất của điểm đến, vì họ là phần không thể tách rời của di sản từ những điệu múa, điệu hát, truyền thống được họ gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là những điều chúng ta cần phát huy và cần phải cân nhắc trong bài toán quản lý di sản, để đảm bảo rằng người dân phải được hưởng lợi ích kinh tế từ phát triển du lịch.
- Ông đánh giá thế nào về đề xuất mở rộng phạm vi di sản thế giới VHL sang khu vực đảo Cát Bà?
+ Tôi cho rằng đây là một đề xuất tuyệt vời. Một mặt nó sẽ giúp mở rộng phạm vi bảo vệ đối với đảo Cát Bà thông qua Công ước Di sản thế giới 1972. Mặt khác, khu vực vùng lõi của Vịnh Hạ Long cũng được mở rộng, điều này sẽ giúp giảm áp lực du lịch tại khu vực vùng lõi hiện thời, bằng cách điều chuyển khách tới một vùng rộng lớn hơn. Thực tế là đến nay, Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, nếu trở thành di sản thế giới, Cát Bà sẽ khác biệt và quan trọng gấp đôi.
- Là một trong những khách mời tham dự EATOF 17 diễn ra tại Quảng Ninh tháng 10/2022, ông đánh giá thế nào về vai trò của những diễn đàn du lịch như EATOF trong việc thúc đẩy chuyển đổi mô hình du lịch bền vững tại các di sản UNESCO trong khu vực?
+ Thách thức với mỗi di sản thế giới là khác nhau, nhưng việc tham gia và phát huy vai trò của những diễn đàn, như EATOF sẽ giúp các quốc gia, các tỉnh, thành phố có di sản thế giới chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển du lịch bền vững. Tại những diễn đàn như EATOF, những chính trị gia, những người có quyền đưa ra quyết định và chuyên gia cùng ngồi lại với nhau để đặt vấn đề và tìm kiếm giải pháp cũng như hoạch định chính sách. Từ đây, các tỉnh thành viên cũng có thể học hỏi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.
Tôi cho rằng, các tỉnh thành viên của EATOF, trong đó có Quảng Ninh, cần tập trung không chỉ phát huy các giá trị văn hóa, mà còn cần làm sao để bảo tồn được nó. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, chúng ta không nên tập trung vào việc thu hút thêm nhiều du khách, mà phải làm thế nào để thu hút thêm nhiều du khách “chất lượng”.
Năm 2022, EATOF 17 đổi tên từ Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á thành Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á. Tôi kỳ vọng từ đây, EATOF sẽ đóng vai trò tích cực và thực chất hơn trong hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh thành viên, thúc đẩy du lịch thân thiện với môi trường và phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là tại các di sản UNESCO.
- Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()