Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:50 (GMT +7)
Nhiều điểm sáng trong hoạt động KHCN năm 2024
Thứ 4, 25/12/2024 | 10:20:33 [GMT +7] A A
Năm 2024, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, từng bước đi vào chiều sâu, được đưa vào thực tiễn sản xuất, đời sống, phục vụ đắc lực cho sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực.
Trên 90% kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng vào thực tiễn
Bảo tồn nguồn gen rươi nước lợ Đông Triều là một trong những nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh nằm trong Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Nhiệm vụ do Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Bắc - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I chủ trì thực hiện. Được thực hiện trong thời gian 18 tháng, đến tháng 11 năm nay, nhiệm vụ đã hoàn thành và thu được nhiều kết quả hữu ích. Những kết quả của nhiệm vụ mà nhóm nghiên cứu đã thu được phải kể đến đó là: Đánh giá thực trạng và đề xuất phương án bảo tồn nguồn gen rươi nước lợ Đông Triều; xây dựng mô hình bảo tồn rươi nước lợ Đông Triều tại 3 phường: Xuân Sơn, Kim Sơn, Hưng Đạo. Đặc biệt, nhiệm vụ cũng đã xây dựng 3 mô hình bảo tồn với tổng diện tích là 5ha; sản xuất được 40 triệu ấu trùng và 12,5 triệu rươi giống phục vụ bảo tồn, lưu giữ. Nghiên cứu này không chỉ cung cấp dữ liệu quý báu về bảo tồn gen rươi mà còn mở ra tiềm năng phát triển nuôi trồng rươi thương phẩm, góp phần vào bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao giá trị kinh tế, và hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu Rươi Cầu Cầm của Đông Triều.
Cũng được nghiệm thu trong năm 2024 này, nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh” đã cung cấp nhiều kiến giải chất lượng cho tỉnh Quảng Ninh trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nhất là việc xây dựng các mô hình chuyển giao công nghệ hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tiếp nhận và ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất kinh doanh.
Trong năm 2024 đã có gần 60 dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung bám sát thực hiện các nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển KT-XH, nhất là những ngành, lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên đẩy mạnh như: Kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số… Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đạt trên 90%, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và cải tiến quy trình sản xuất cho các doanh nghiệp, địa phương.
Ngoài việc thực hiện hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ KHCN, trong năm qua, Sở KH&CN cũng kết nối, giới thiệu phần mềm công nghệ quản trị doanh nghiệp của Vindoo cho Công ty CP Nước mắm Cái Rồng HCM và HTX Khánh Đan. Đồng thời, kết nối, giới thiệu trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR của Công ty CP Giải pháp công nghệ UNIKOM trong công tác bảo tồn, phục dựng, phát triển số hoá các di tích, di sản, lễ hội tại huyện Bình Liêu; ký thoả thuận hợp tác với 3 đơn vị để trưng bày công nghệ, thiết bị tại Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Quảng Ninh.
Quản lý nhà nước về KHCN có nhiều nổi bật
Bên cạnh đó, trong năm 2024, ngành KH&CN tỉnh cũng tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động KHCN. Hoạt động hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cũng được quan tâm đẩy mạnh với 14/15 sáng chế được áp dụng vào thực tế. Trong đó ưu tiên hỗ trợ khai thác, thương mại hoá sáng chế; hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu quốc tế.
Năm nay, nhãn hiệu Vanbest của Công ty TNHH MTV Newstar đã được đăng ký bảo hộ quốc tế. Bà Cao Hồng Vân, Chủ tịch Công ty Newstar cho biết: Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở KH&CN, chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu Vanbest cho các sản phẩm và được cấp giấy chứng nhận hàng hóa ở 15 quốc gia. Điều này giúp ngăn chặn sự xâm phạm nhãn hiệu, tình trạng hàng hoá bị làm giả, làm nhái gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.
Trong lĩnh vực đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân, ngành KH&CN cũng đã hướng dẫn, sửa đổi, gia hạn giấy phép, thẩm định cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho 30 đơn vị, 17 cá nhân và hàng trăm thiết bị. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tăng cường thanh, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Đặc biệt, tổ chức thành công 2 lớp đào tạo an toàn bức xạ cho hơn 80 nhân viên bức xạ và người phụ trách an toàn bức xạ.
Cùng với đó, công tác quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cũng được tăng cường với gần 18.500 phương tiện đo lường được kiểm định, đối chứng, hiệu chuẩn. Qua đó, đảm bảo minh bạch, công bằng trong kinh doanh thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đáng chú ý, trong năm, Sở KH&CN đã hướng dẫn 3 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đăng ký tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Đồng thời triển khai áp dụng thí điểm tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 tại một số UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh. Hoạt động thanh, kiểm tra các nội dung liên quan đến KHCN cũng được chú trọng, nhất là những lĩnh vực liên quan đến đo lường, chất lượng xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, đồ điện, điện tử…
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()