Giáo sư Dai Jianwu, trưởng nhóm nghiên cứu mới tại phòng thí nghiệm sinh học phát triển phân tử của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết phương pháp điều trị không thể khôi phục hoàn toàn khả năng đi lại nhưng sẽ giúp chất lượng cuộc sống của bệnh nhân trở nên tốt hơn. Các nhà nghiên cứu điều trị thử nghiệm cho 66 bệnh nhân từ năm 2015 tới năm 2020, tất cả đều bị đứt dây thần kinh trong tai nạn xe cộ hoặc bị ngã. Họ bị liệt và mất cảm giác hoàn toàn ở phần dưới ngực hoặc cổ và hiện nay chưa có cách điều trị hiệu quả.
Nhóm nghiên cứu sử dụng một thiết bị cấy ghép sinh học với hai loại tế bào gốc để kích thích phát triển neuron. Tuy có một số lo ngại về độ an toàn của vật liệu chỉnh sửa sinh học và tế bào gốc sử dụng trong thí nghiệm, những quan sát trong thời gian 2 - 5 năm không phát hiện tác dụng phụ nào, theo nghiên cứu công bố đầu tháng 8 trên tạp chí Science China Life Sciences.
"Đây là nghiên cứu dài hạn quy mô lớn đầu tiên về cấy ghép dạng khung giàn để chữa lành chấn thương cột sống với collagen tái tạo dây thần kinh", Dai và cộng sự chia sẻ trên website của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hôm 25/8. Theo họ, kết quả cho thấy phương pháp điều trị mới an toàn.
Từ lâu giới nghiên cứu đã biết tế bào neuron không thể tự lành, nhưng chưa ai hiểu rõ nguyên nhân tại sao. Theo một số lý giải khả thi, tai nạn nghiêm trọng hình thành nang rỗng ở phần chóp bị tổn thương của dây thần kinh, giải phóng hóa chất ngăn chúng mọc lại hoặc tạo mô sẹo chặn hoạt động truyền tín hiệu thần kinh. Các nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đã thử nghiệm nhiều cách điều trị như khâu phần chóp của dây thần kinh, cung cấp dưỡng chất cho neuron bị tổn thương hoặc kích thích phân chia tế bào bằng hóa chất nhưng đều không đạt hiệu quả như mong đợi.
Trong những năm gần đây, trọng tâm nghiên cứu tập trung vào cấy ghép tế bào gốc, sử dụng khung giàn chỉnh sửa sinh học. Kỹ thuật ngày càng thu hút nhiều sự chú ý sau khi chữa lành dây thần kinh bị đứt ở động vật như chuột, chó hoặc khỉ. Nhưng thí nghiệm ở người bị hạn chế chỉ trong một nhóm nhỏ bệnh nhân.
Bệnh nhân tham gia nghiên cứu của Dai bị đứt dây thần kinh với độ dài lên tới 10 cm và cần khung giàn chắc chắn nhưng có thể phân hủy sinh học để nối lại. Các nhà khoa học không sử dụng vật liệu nhân tạo mà những nhóm nghiên cứu khác thường dùng, thay vào đó họ dùng mô giống dây chằng lấy từ bò. Tuy đóng vai trò quan trọng trong thí nghiệm, khung giàn không thể tự làm lành dây thần kinh. Công việc đó được thực hiện bởi hàng chục triệu tế bào gốc cấy trên bề mặt khung.
Không giống những tế bào khác, tế bào gốc có thể phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Có nhiều loại tế bào gốc, bao gồm một số loại có liên hệ với neuron, nhưng nhóm nghiên cứu của Dai sử dụng hai loại, một lấy từ nhau thai người hiến tặng và loại còn lại từ tủy xương của chính bệnh nhân. Dai và cộng sự hy vọng tế bào gốc sẽ kích thích phát triển dây thần kinh qua khu giàn dù họ chưa rõ quá trình này xảy ra như thế nào.
Khoảng 1/4 số bệnh nhân bị thương gần đây. Những người khác bị thương cách đây nhiều nhất là 6 năm và nhóm nghiên cứu phải loại bỏ mọi mô sẹo tích tụ theo thời gian trước khi điều trị cho họ. Hơn 30 bệnh nhân có dấu hiệu liền neuron nhưng tình trạng cải thiện ở mức độ khác nhau với từng người. Bốn bệnh nhân bị thương ở cổ gần đây phục hồi khả năng đi lại, bao gồm một người phụ nữ 22 tuổi có thể tự đi mà không cần trợ giúp. Các bệnh nhân khác vẫn phải ngồi trên xe lăn nhưng có thể cử động cánh tay, ngón tay, ngón chân hoặc lấy lại một số giác quan, bao gồm cảm nhận kim châm hoặc thông báo khi cần đi vệ sinh.
Nhóm nghiên cứu chưa biết chắc tại sao phương pháp điều trị này hiệu quả hơn ở một số bệnh nhân. Họ cho rằng một số yếu tố có thể tác động tới kết quả như tuổi tác, thời gian giữa lúc bị thương và điều trị, độ dài chỗ bị đứt ở dây thần kinh bị tổn thương. Họ cũng gần như không phát hiện ảnh hưởng khác biệt giữa tế bào của người hiến tặng và tế bào từ tủy xương bệnh nhân. Nhưng tế bào gốc ở nhau thai hiệu quả hơn trong việc khôi phục giác quan của các chi.
Hiện nay, chấn thương cột sống chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu. Theo nghiên cứu gần đây ở châu Âu, mỗi năm trên thế giới có 630.000 ca bệnh mới. Nghiên cứu của Dai được tiến hành ở một số bệnh viện tại Bắc Kinh, Thiên Tân và Tô Châu. Theo Dai, một công ty khởi nghiệp ở Bắc Kinh đang tìm cách sản xuất hàng loạt khung giàn từ nghiên cứu.
Ý kiến ()