Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 21:18 (GMT +7)
GDP quý I năm nay tăng 3,23%
Thứ 4, 29/03/2023 | 11:17:23 [GMT +7] A A
Kinh tế-xã hội quý I/2023 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,32%, Việt Nam ghi nhận mức tăng trong quý đầu năm thấp thứ hai trong vòng 12 năm qua.
Sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (GSO) tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý I/2023. Theo báo cáo GSO công bố tại hội nghị, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76% trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh.
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2022 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.
Trong bối cảnh đó, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ trong quý đầu năm nay như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
CPI tăng 4,18% so cùng kỳ năm 2022
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý và điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Ngày 3/2/2023 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023; giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ. Nhờ đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bảo đảm đời sống của người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào; giá xăng dầu, giá gas giảm theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2023 giảm 0,23% so với tháng trước.
Cụ thể, so với tháng 12/2022, CPI tháng 3/2023 tăng 0,74% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,35%. Tính chung quý I/2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức giảm 0,23% của CPI tháng 3/2023 so với tháng trước, có 6 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước, 5 nhóm hàng tăng giá.
Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước, là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, bước sang quý II/2023, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh khó dự báo.
Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Theo Tổng cục trưởng, các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()