Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:27 (GMT +7)
Gấp rút hoàn thành mục tiêu gỡ "thẻ vàng" trong năm 2022 và 2023
Thứ 5, 27/01/2022 | 16:05:37 [GMT +7] A A
Nếu không giải quyết được hoạt động khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác, rất có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” và tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Gấp rút hoàn thành mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022 và 2023 đang được các bộ ngành địa phương gấp rút triển khai, thực hiện.
Vẫn chưa giải quyết dứt điểm được 4 khuyến nghị của EC
Về công tác tháo gỡ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), đến thời điểm này, hệ thống giám sát tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã được các địa phương triển khai tương đối tốt. Hiện tại nhiều tỉnh có tàu cá lắp đặt VMS và có vị trí trên hệ thống giám sát tàu cá đạt tỉ lệ cao trên 90%. Đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương; nhưng vẫn còn tình trạng vi phạm ở các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Đến hết tháng 11/2021, cả nước đã xảy ra 60 vụ/98 tàu/775 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (giảm 32% so với cùng kỳ năm 2020).
Tuy nhiên, sau cuộc Họp trực tuyến giữa Việt Nam với EC “Báo cáo tiến độ về tình hình triển khai IUU”, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục nêu ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình khắc phục “thẻ vàng” của Việt Nam như: Còn nhiều tàu cá bị mất kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá (VMS); công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và sản lượng lên bến chưa đáp ứng yêu cầu; kiểm soát lên cá của tàu nước ngoài theo Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA) còn sai sót.
Từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng”, hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bị tác động rõ rệt và liên tục giảm sút qua các năm. Thị trường EU từ vị trí thứ 2 trong Top thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5 kể từ năm 2018. Chi phí xuất khẩu tăng cao, thời gian thông quan kéo dài, 100% lô hàng hải sản có nguồn gốc từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU đều bị giữ lại để kiểm tra gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Đồng thời gây ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, đặc biệt là ảnh hưởng đến uy tín của ngành thủy sản Việt Nam. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2022 Việt Nam có thể gỡ “thẻ vàng” của EC, ngay từ đầu năm 2021, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Thủy sản đã chủ động rà soát, kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy định pháp luật để xây dựng Đề án Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025.
Đặt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2022
Ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT- cho biết, hiện EC đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với thủy sản Việt Nam. Thứ nhất về khung khổ pháp lý, đối với Luật Thủy sản 2017 và 2 Nghị định và 8 Thông tư, chúng ta đã tham vấn phía EC và vừa rồi đã trình để sửa 2 Nghị định và 1 Thông tư sửa 8 thông tư để cập nhật với tình hình thực tiễn. Như vậy, phần văn bản pháp luật đã cơ bản hoàn thành.
Về quản lý đội tàu, từ khi có Thông báo số 245/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC tháng 9/2021, lượng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt và Thủ tướng đã chỉ đạo trong năm 2021 phải chấm dứt tàu cá vi phạm.
Quản lý lưu hành của tàu khi vào cảng cộng với hoạt động trên biển là yếu tố quan trọng để đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc. Khi truy xuất được nguồn gốc và xuất khẩu sang các nước EU, thanh tra sẽ xuống từng kho 1 để kiểm tra việc tàu đánh cá ở kinh độ, vĩ độ, thời gian nào, bằng công cụ gì. Nhập kho và xuất khẩu đi các thị trường khác thì còn lại bao nhiêu.
Còn 1 yếu tố nữa đó là thực thi pháp luật. Hiện nay, các tỉnh việc thực thi pháp luật là không đồng bộ. Có tỉnh thì phạt nhưng có tỉnh chỉ lập biên bản, có tỉnh chỉ nhắc nhở.
Ngoài ra, một trong những tồn tại trong nhiều năm qua là đầu tư vào xây dựng cơ sở hạ tầng của ngành thủy sản còn chưa đúng mức, rất yếu kém. Đây cũng chính là điều kiện để triển khai thực thi pháp luật, truy xuất nguồn gốc và quản lý đội tàu. Tới đây, Chính phủ đã quan tâm hơn và cho đầu tư để trong giai đoạn đầu tư công 2021- 2025 hạ tầng thủy sản chuyển biến tích cực và phù hợp với chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam.
Ông Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2022, nếu tình hình Covid-19 lắng xuống, EC sẽ vào kiểm tra trực tiếp, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2023 dứt điểm phải gỡ được “thẻ vàng”. Với sự quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp, tập trung chỉ đạo cũng như phối hợp đồng bộ giữa các địa phương với nhau, cùng với việc đầu tư nguồn lực, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các địa phương kỳ vọng sẽ có được kết quả khả quan trong năm 2022 - 2023.
Liên quan đến việc tháo gỡ “thẻ vàng”, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết, tiếp nối những kết quả đạt được của năm 2021, trong năm 2022, chúng tôi sẽ tiếp tìm ra những điểm nghẽn hiện nay và đi sâu vào thực chất triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật thì có thể có những kết quả tốt cho lần kiểm tra tới đây của EC. Tiếp tục tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ, giải pháp khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Chuẩn bị đón đoàn công tác của EC sang làm việc về các nội dung liên quan đến IUU.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()