Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:27 (GMT +7)
Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công
Thứ 6, 19/08/2022 | 07:19:56 [GMT +7] A A
Còn hơn 4 tháng nữa sẽ hết năm 2022, thời điểm toàn tỉnh phải hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 còn rất chậm so với mục tiêu đề ra, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực của các chủ đầu tư và đơn vị nhà thầu.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2022 sau điều chỉnh, bổ sung đến ngày 31/7/2022 trên 16.500 tỷ đồng, chiếm 50% tổng chi ngân sách địa phương. Đến nay, đã thực hiện phân khai chi tiết được trên 15.900 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn Trung ương là 892 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh trên 7.900 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 7.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã có sự thống nhất chỉ đạo từ tỉnh đến các chủ đầu tư, sở, ngành liên quan, chậm nhất đến 30/6 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn phải đạt 50% kế hoạch, đến 30/9 tỷ lệ giải ngân đạt 80% kế hoạch, đến 31/12 hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn. Tuy nhiên, đến hết ngày 31/7/2022, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh, nếu loại trừ số vốn chưa phân khai chi tiết 595 tỷ đồng và nguồn vốn ODA dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long, thì tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh mới đạt 40,4% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 43,3% kế hoạch). Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 56,1% kế hoạch, cao hơn giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 31,5%).
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp, được xác định đó là biến động của giá xây dựng, giá nguyên nhiên vật liệu quá lớn ảnh hưởng phương án tài chính của các nhà thầu; công tác GPMB chậm, nguồn đất đắp và vị trí đổ thải thiếu. Đối với các dự án khởi công mới, thời gian chuẩn bị các thủ tục đầu tư dài, khoảng từ 4-6 tháng; đối với các dự án chuyển tiếp, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021 nên những tháng đầu năm nay khối lượng hoàn thành chỉ đủ số tiền tạm ứng, chưa có khối lượng phát sinh.
Theo Sở KH&ĐT, ngoài nguyên nhân khách quan được nêu trên, còn có nguyên nhân chủ quan từ các chủ đầu tư, đây là yếu tố cốt lõi dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm, đó là công tác lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư của các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư chưa được quan tâm đúng mức (nhất là công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư lập chủ trương đầu tư, lập thẩm định phê duyệt dự án chậm) chưa bám sát khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án dẫn đến không phân bổ được hết số vốn được giao ngay từ đầu năm do chưa đủ thủ tục đầu tư. Cùng với đó, chuẩn bị dự án sơ sài, chưa tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công, nhất là quy định về sự phù hợp với các quy hoạch; công tác nghiệm thu, bàn giao công trình hoàn thành vào sử dụng và phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành của các chủ đầu tư còn chậm, chưa thể phân khai nguồn vốn ngay từ đầu năm.
Mặc dù nhiều dự án đã được lên kế hoạch từ rất sớm, nhưng đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ giải ngân còn rất chậm. Điển hình, như nhóm 8 dự án chuyển tiếp liên quan đến y tế, với tổng nguồn vốn được phân khai trong năm 2022 là 199 tỷ đồng, đến nay có 7/8 dự án chưa giải ngân, tổng số vốn còn tồn đọng là 95 tỷ đồng, gồm: Đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế TP Móng Cái (20 tỷ đồng); đầu tư nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (10 tỷ đồng); đầu tư cơ sở vật chất kết hợp với cải tạo, nâng cấp mở rộng khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ (10 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trung tâm Y tế huyện Bình Liêu (10 tỷ đồng); đầu tư cơ sở vật chất Trung tâm Bảo trợ tâm thần Bệnh viện Bảo vệ tâm thần tỉnh (10 tỷ đồng); dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Lão Khoa (30 tỷ đồng); nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh giai đoạn I (5 tỷ đồng).
Ngoài ra, một số dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn, tỷ lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra làm ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung, như: Cầu Cửa Lục 1 giải ngân 77/200 tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1), giải ngân 153/400 tỷ đồng, đạt 38,4% kế hoạch; cao tốc Tiên Yên - Móng Cái theo phương thức đối tác công tư (PPP), giải ngân 53,2/154 tỷ đồng, đạt 34,6% kế hoạch; đường nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng, giải ngân 54,5/141 tỷ đồng, đạt 38,5% kế hoạch.
Với tỷ lệ giải ngân vốn như hiện tại, thì còn tới gần 60% kế hoạch vốn nữa chưa được giải ngân, điều này đặt ra bài toán cho các chủ đầu tư cần phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong khoảng thời gian còn lại của năm. Đặc biệt, phải đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư và thành viên Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công 2022 của tỉnh trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm.
Mạnh Trường
- Cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
- TP Cẩm Phả: Quyết tâm đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công
- Thủ tướng: Công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên phương tiện thông tin đại chúng
- TX Quảng Yên: Nỗ lực hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công
- Vân Đồn: Nhiều giải pháp giải ngân vốn đầu tư công
Liên kết website
Ý kiến ()