Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:41 (GMT +7)
Gập ghềnh nghề nuôi ốc đá giữa biển
Chủ nhật, 31/10/2021 | 06:39:50 [GMT +7] A A
Theo tích xưa, xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) có cảnh đẹp tự nhiên, trù phú, giàu tài nguyên biển. Mỗi đêm, khi tàu bè đi qua vùng biển đảo này thì trai ngọc ở đảo phát sáng cả một vùng. Điều thú vị là ngày nay người dân Ngọc Vừng cũng đã biết biến tài nguyên, giá trị đó thành "ngọc", cho đời sống sung túc hơn.
“Bãi ngọc” giữa muôn trùng sóng nước
Chúng tôi trở lại thăm xã đảo Ngọc Vừng một ngày đầu thu, khi cái nắng hè đã bắt đầu dịu lại. Quả thật trong chuyến đi Ngọc Vừng lần này, chúng tôi rất hứng khởi và ấp ủ ý định đi tìm hiểu về tích, về nơi mà xưa nay được mệnh danh là hòn của trai, ngọc.
Ở đảo, chúng tôi được ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng dẫn đi thăm đảo. Ông kể: Theo người xưa và sử cũ thì từ xa xưa đã có cái tên Ngọc Vừng. Ngọc Vừng trước đây từng thuộc về huyện hoặc tổng Vân Hải. Về sau, vào đầu thế kỷ 20, thời vua Duy Tân (1907-1916), Ngọc Vừng là một thôn thuộc xã Quan Lạn vốn trù phú, nhộn nhịp nức tiếng. Vì thế, những cái tên Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu… như một dấu tích về sự giàu có, trù phú của những vùng đất giàu sản vật, có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, đêm đêm phát sáng kỳ ảo cả một vùng trời.
“Quả thật, thế hệ sau như chúng tôi cũng dày công tìm tòi nhưng chưa tìm ra dấu tích nào cả. Thế nhưng, những gì cha ông để lại là tài sản vô giá mà con cháu đời sau đang dày công vun đắp, mài giũa, nhờ đó đã tìm ra những thứ quý giá như trai, ngọc của cha ông xưa”.
Ông Quảng cười đầy ẩn ý khi kể về sự tích xưa khiến chúng tôi "bán tín bán nghi", tò mò xen lẫn phấn khích. Ông bảo sẽ dẫn chúng tôi đi thăm. Hôm sau, trời hửng sáng, chúng tôi dậy khá sớm lên xe máy ra bến cảng đầu xã, thôn Ngọc Nam theo lời hẹn.
Ngọc Vừng tiết trời thu trong trẻo, mát mẻ vô cùng dù sớm mai hơi se lạnh với những làn gió thổi từ bãi Trường Chinh. Quả thật thiên nhiên đã ban tặng cho xã đảo những món quà vô giá. Bến cảng thôn Ngọc Nam, người dân đi biển sớm khá tấp nập. Nắng lên khá nhanh, trời trong xanh, báo hiệu ngày nắng đẹp.
“Trời cao, nắng to rất thuận lợi cho chuyến đi" - ông Quảng bảo. Chúng tôi nhổ neo, thuyền máy lao nhanh ra biển. Vừa đi ông vừa bảo: "Ngọc Vừng 4 bề là biển, mặt phía Đông, Tây và Bắc của đảo đều có các ghềnh đá. Phía Nam đảo là bãi cát Trường Chinh kéo dài 3 km, mềm mại như dải lụa vàng. Ngoài phía Tây là dãy Tu La đá lởm chởm, nhiều đoạn dựng đứng, ở các phía Đông, Bắc đều có nhiều vụng kín, ghềnh đá”.
Xuồng máy phóng như bay trên biển. Từ cảng vòng qua dãy Tu La, hướng chếch Đông Nam chừng 30 phút, chúng tôi tới thẳng đảo Phượng Hoàng, dãy đảo kéo dài, xanh mướt, được tô điểm bởi bãi cát vàng, dãy núi, rặng dừa toả bóng… vừa đẹp và oai vệ như tên của đảo.
Và thật ngạc nhiên, điểm đến của chúng tôi là các bãi, ghềnh ở đảo, nơi được người dân xã đảo quý như là “bãi ngọc”. Xuồng nhắm ghềnh đá lớn mặt trước đảo, sóng to đánh ùm ụp. Xuồng tắt máy, dựa vào tàu lớn, thả neo cách bãi chừng 100m mà vẫn lắc lư mạnh.
Đón chúng tôi, chủ bãi ghềnh là ông Nguyễn Văn Thị (thôn Ngọc Nam) đưa chúng tôi vào đảo Phượng Hoàng bằng mảng phao. Chiếc mảng to chừng cái bàn chòng chành trước từng cơn sóng to, không điểm bấu víu, người ngồi phải trụ thật vững, men theo dây vào bờ. Quả thật, lần đầu đi chúng tôi chỉ sợ sẽ văng ra khỏi mảng. Thế nhưng đó là phương tiện phổ biến và gần như duy nhất để ông Thị ra, vào ghềnh.
“Bãi đá hoang, trơn trượt tưởng như không có tác dụng gì nhưng lại rất phù hợp cho nuôi ốc đá xuất khẩu. Và những bãi đá như vậy có ở khắp 3 mặt của đảo, là môi trường tuyệt vời để người dân nuôi ốc đá đặc sản xuất khẩu, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Bãi, ghềnh đá quanh đảo vì thế được người dân ví như…"bãi ngọc" vậy!" - chúng tôi vỡ lẽ sau khi ông Quảng chỉ bãi đá và giải thích.
Chủ ghềnh đá, ông Thị chừng ngoài 50 tuổi nhưng nước da rám nắng, rắn rỏi, giọng nói vang, khoẻ đặc trưng của người vùng biển. Cả đời ông gắn với những con sóng biển khơi, căng buồm thả lưới kiếm sống bằng nghề đánh bắt. Biển là nhà, cũng là kế sinh nhai nhưng ra khơi càng ngày càng khó kiếm cá. Những ngày vươn khơi, cá tôm đầy ắp khoang thuyền chỉ còn lại trong những miền ký ức. Ông bỏ biển về ghềnh nuôi ốc.
Dẫn tôi quanh ghềnh đá dài chừng 300-400m, ông bảo: Đi biển không đủ ăn, năm 2006, gia đình chúng tôi về nuôi ốc trên ghềnh đá của đảo Phượng Hoàng. Chưa biết có được ăn hay không mà ban đầu vốn liếng dành dụm hàng chục triệu đồng của vợ chồng mua giống rồi…thả hết xuống biển! Nhìn bãi đá mênh mang, sóng nước ầm ầm, ban đầu tôi cũng lo… "công dã tràng”.
Thế nhưng biển không phụ công người, những vụ thu hoạch đầu sau chừng 6-8 tháng hoặc lâu hơn là 1 năm nuôi trồng, đưa lại nguồn thu khá, lãi gấp 3 so với vốn đầu tư ban đầu. “Các bãi ghềnh vốn là vùng nước mở, sạch, lưu thông tốt, nhiều cát đá tạo nguồn thức ăn phong phú như: Rong tảo, phù du... Ghềnh rộng có sóng như ở Phượng Hoàng lại càng phù hợp nuôi ốc. Vì thế mà vài năm gần đây, nuôi ốc đều đưa lại cho gia đình ông Thị một khoản thu đáng kể, từ 100 đến trên 200 triệu đồng/năm. "Năm nay, tôi lại đưa chừng 1 tấn ốc về, lại thả tiền xuống…biển" - ông Thị cười khoe.
Cách bãi nuôi của ông Thị không xa, chừng khoảng 15 phút chạy xuồng, chúng tôi ghé bãi nuôi ốc của gia đình ông Phạm Văn Tiền (thôn Bình Ngọc), một trong những hộ đầu tiên nuôi ốc ở xã đảo Ngọc Vừng. Hòn Pháo Đài nằm cuối bãi Trường Chinh, có ghềnh đá thoải dài, cách bờ chừng dăm phút chèo đò.
Anh Nguyễn Văn Đạt, con rể ông Tiền, người dẫn chúng tôi thăm bãi nói: Nơi này được đánh giá là đẹp và phù hợp cho nuôi ốc đá. Nhờ có khu vực đẹp, giàu nguồn thức ăn, có chất màu giúp ốc lớn rất nhanh. Bãi nằm ở khu vực có sóng, gió Đông Nam thì ghềnh càng đẹp, càng nhiều thức ăn. Ốc Ngọc Vừng nổi tiếng thơm, ngon, có thời điểm thu hoạch những con ốc to bằng cái chén.
Vì thế, cao điểm nhất gia đình ông Tiền có thể bán với giá 140.000-150.000 đồng/kg cho thương lái xuất khẩu. Dù bãi không lớn nhưng cho thu nhập đều đặn trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài bãi Pháo Đài, gần đây anh Đạt và gia đình quyết định chăm nuôi thêm ốc ở mặt khác của đảo Phượng Hoàng dài chừng 3-4 km. Trung bình thu khoảng 7-10 tấn ốc/năm, vừa phục vụ nhà hàng của gia đình vừa bán, xuất khẩu. Thu nhập đưa lại, trừ tất cả chi phí, anh Đạt thu về chừng 300 triệu đồng/năm.
Cơ hội đưa đặc sản đi xa
Quả thật, khảo sát một vòng mới thấy hầu hết các bãi đá tưởng chừng hoang vu, thì lại là những điểm nuôi ốc lý tưởng, an toàn lại cho thu tiền trăm triệu đồng/năm cho bà con xã đảo. Thế nhưng, nghề này lại có những vất vả, khó khăn riêng.
Khi được hỏi về những khó khăn của nghề nuôi ốc, ông Nguyễn Văn Thị vui vẻ cười to chia sẻ: Nuôi trồng hải sản trông hết vào ông trời thôi! Năm nào mưa thuận gió hòa thì ngư dân được mùa. Năm nào thiên tai thì gần như trắng tay. Tuy nhiên, với ốc đá ở các ghềnh đá hoặc rạn thì còn may mắn hơn chút. Đáng sợ nhất là bão biển đánh, cuốn ốc xuống đáy hoặc ra xa khỏi bãi hoặc ốc bị văng lên bờ, va đập với đá, ốc chết ngay. Người nuôi sẽ thiệt hại hoặc trắng tay.
Ngoài ra, khi ốc lớn chuẩn bị cho thu hoạch phải thường xuyên theo dõi và lập chòi canh ngoài biển đề phòng… bị trộm. Vì thế mà bãi nuôi ở những nơi xa bờ như ở Phượng Hoàng, Đất Nứt, Hạ Mai… thì anh Đạt phải thường xuyên ghé qua, thăm nom ốc hoặc thuê hẳn một người canh. Còn ông Thị dù có nhà đàng hoàng trên bờ nhưng vào vụ thu hoạch gần như chỉ ở trên căn nhà nhỏ trên đảo, thiếu thốn đủ thứ…
Theo ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng: Tuy là ốc đặc sản, giá trị kinh tế cao nhưng việc bán, xuất khẩu cũng bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Đặc biệt, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gần đây, việc xuất khẩu giảm hẳn, giá ốc cũng giảm gần nửa.
Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 110 hộ nuôi ốc, trong đó số hộ nuôi ốc đá chiếm một nửa. Sản lượng hàng năm có thể đạt hàng trăm tấn. Các điểm nuôi ốc rải khắp các đảo lớn nhỏ của xã, ghềnh, bờ đá quanh đảo. Vì thế, các khu vực có điều kiện nuôi trồng tốt ở các đảo như: Phượng Hoàng, Nứt Đất, Nứt Đá, Hạ Mai… trở thành “vựa” nuôi ốc đá đặc sản.
Tuy nhiên, trên thực tế việc nuôi trồng đều chưa được quy củ, thiếu định hướng quản lý, quy hoạch khoa học, nên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như điều kiện môi trường, nguồn nước, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và sản lượng ốc. Chính vì thế khi có biến động thì việc tiêu thụ trở nên khó và giá trị sản phẩm cũng suy giảm. Có thời điểm, bà con nuôi trồng còn phải bán trong nội địa với giá chỉ chừng 60.000-80.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Quảng, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ định hướng: Để phát triển bền vững, xã Ngọc Vừng cũng tính toán đưa ốc và các nhuyễn thể đặc trưng vào xây dựng các sản phẩm chính trong Chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng sản phẩm địa phương.
Đồng thời với đó, Ngọc Vừng cũng đã chào đón và đang khuyến khích các nhà đầu tư lớn hiện thực hoá dự án du lịch sinh thái vào các đảo Phượng Hoàng, Hạ Mai, Pháo Đài…để phát triển du lịch. Trong đó, các nhà đầu tư cam kết vẫn giữ nguyên các giá trị, nghề truyền thống và một số hiện trạng khu nuôi ốc của nhân dân địa phương làm hạt nhân để phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái, cộng đồng...
Mới đây, tôi còn được ông Quảng thông báo một tin vui, các dự án du lịch đầu tư trên đảo như Phượng Hoàng đang được thúc đẩy tích cực, sẽ làm cầu nối cho du lịch cộng đồng trên đảo. Ngoài ra, sau dịch, giá xuất bán ốc đá đang tăng nhanh, đạt mức giá kỷ lục trước đây. Có hộ thu hoạch và bán được 50 triệu đồng/ngày.
Biết biến các giá trị, tài nguyên vốn có thành "ngọc", Ngọc Vừng trong tương lai có lẽ sẽ có cơ hội cất cánh phát triển, cuộc sống người dân vì thế sẽ được cải thiện rõ ràng.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()