Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:01 (GMT +7)
Gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo
Thứ 3, 16/11/2021 | 15:10:08 [GMT +7] A A
Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 (1982-2021), sáng 16/11, Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cùng các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cùng các cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu ngành GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đối với Quảng Ninh, trong quá trình xây dựng, phát triển ở mọi giai đoạn, tỉnh đặc biệt quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp "trồng người", coi việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khâu đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN.
Song song với phát triển KT-XH, tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và dành nguồn lực đầu tư, chăm lo phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Trường THPT Chuyên Hạ Long. Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở GD&ĐT theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất.
Hằng năm, ngân sách chi cho lĩnh vực GD&ĐT chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách của tỉnh, trong đó chi thường xuyên cho giáo dục chiếm khoảng 30-35% tổng chi thường xuyên của tỉnh. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015-2020, tỉnh chi gần 22.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trong khó khăn, Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu cả nước hỗ trợ 100% học phí cho học sinh, trẻ mầm non ở các trường phổ thông công lập và ngoài công lập theo mức thu học phí công lập trên địa bàn tỉnh trong năm học 2021-2022.
Đặc biệt, xuyên suốt, nhất quán trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 suốt 2 năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định học sinh là đối tượng phải “bảo vệ trọng điểm”. Nhờ quyết sách đúng đắn, kịp thời, qua 4 đợt dịch, nhất là làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, tại Quảng Ninh, mọi người dân vẫn có được niềm vui, niềm hạnh phúc được sống trong “vùng xanh” an toàn; tất cả học sinh nô nức phấn khởi được đến trường khai giảng năm học mới trong khi nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, thầy cô và các em học sinh nhiều nơi đã không thể đến lớp vào mùa tựu trường, không thể tổ chức khai giảng trực tiếp.
Đến nay, ở Quảng Ninh, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo năm 2020 là 99,58%, tăng 19% so với năm 2015. Số trường đạt chuẩn quốc gia là 545 trường (đạt tỷ lệ 85%), tăng 161 trường so với năm 2015. Đặc biệt năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2020 (sớm hơn 5 năm so với kế hoạch). Giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đạt huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng liên tục từ 63% (năm 2015) lên 85% (năm 2020), trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước.
Tại buổi gặp mặt, các cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu ngành GD&ĐT đã bày tỏ niềm hạnh phúc, cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, địa phương, là nguồn động lực động viên các thầy, cô giáo toàn ngành Giáo dục quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, các cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục cũng đã chia sẻ, đề xuất các ý kiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, như: Quan tâm, có cơ chế chính sách cho các thầy cô giáo vùng khó, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm thu hút đầu tư vào giáo dục; phát triển hợp tác công - tư ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, trân trọng tri ân, ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và cống hiến của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn ngành Giáo dục tỉnh trong thời gian qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đại hội XIII đã khẳng định giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục. Dự báo tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Thực hiện Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt đang đặt trách nhiệm, áp lực nặng nề hơn đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong từng tiết học, mỗi buổi lên lớp, mỗi ngày tới trường an toàn của các em học sinh. Trong khi đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận nhà giáo vẫn còn nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ngành GD&ĐT, các cơ sở đào tạo tiếp tục khai thác có hiệu quả từ sự quan tâm, hỗ trợ để đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất; lấy người học là trung tâm, ứng dụng hiệu quả các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp cho người học vừa học chữ, học nghề, vừa học làm người, tìm được động lực, động cơ học tập đúng đắn. Giữ vững thành quả đã đạt được, nâng cao căn bản chất lượng dạy và học trong toàn ngành Giáo dục, phấn đấu trước năm 2030, Quảng Ninh lọt vào nhóm địa phương đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục, đào tạo tương xứng với sự phát triển KT-XH nhanh, bền vững của tỉnh.
Nhằm giáo dục con người toàn diện (đức, trí, thể, mỹ), nhà giáo ngoài việc là điển hình của phương thức tiếp cận giáo dục và kỹ năng đào tạo hiện đại thì vẫn phải lưu giữ và phát huy tính điển hình của mẫu người toàn diện, tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ của thời kỳ hội nhập và phát triển. Người cán bộ quản lý giáo dục ngoài tiêu chuẩn chung của nhà giáo phải là người có kiến thức quản trị hiện đại, quản trị sự thay đổi, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, biết cách làm, làm có hiệu quả, vì lợi ích chung. Mỗi thầy cô giáo nêu cao hơn nữa tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo để sáng tạo ra các hình thức dạy học, phương thức dạy học phù hợp với trạng thái bình thường mới, đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời, giữ khí thế thi đua “Dạy tốt, học tốt” để sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, thế hệ kế tiếp như lời Bác dạy “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” không bị gián đoạn, bị ảnh hưởng chất lượng trước bất cứ thử thách nào.
Đồng chí nhấn mạnh: Mỗi phụ huynh, mỗi gia đình học sinh phải thực sự xứng đáng là một “pháo đài” phòng, chống dịch. Gia đình, nhà trường và học sinh phải phối hợp chặt chẽ trong việc đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an toàn cho học sinh. Hơn hết là đội ngũ nhà giáo, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát hằng ngày trong từng tiết học, buổi học, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh phải là những người gương mẫu nhất ở trong gia đình, trong nhà trường và ngoài xã hội thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” và là tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng.
Đồng chí yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn xã hội dành sự quan tâm, chăm lo cụ thể nhiều hơn nữa tới sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh; cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng: “Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt… thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và giải pháp để cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ ở một số trường phổ thông tại các đô thị lớn, các nơi có điều kiện theo lộ trình; tạo động lực để nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nỗ lực trong việc nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhân dịp này, Phòng Giáo dục Trung học (Sở GĐ&ĐT tỉnh) đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 9 cá nhân được trao Danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”; 5 tập thể được nhận Cờ thi đua của Chính phủ; 1 cá nhân được trao tặng Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 4 tập thể, 24 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 tập thể được nhận Bằng khen của Bộ GĐ&ĐT và UBND tỉnh; 9 cá nhân được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()