Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:24 (GMT +7)
Gặp gỡ những người làm phim Đại thi hào Nguyễn Du
Thứ 7, 19/06/2021 | 14:09:42 [GMT +7] A A
Nhân dịp bộ phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du được Cục Điện ảnh cấp phép phổ biến, PV đã trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Văn Đức và nhà đầu tư TS. Phạm Xuân Mừng về bộ phim này.
Thưa đạo diễn Nguyễn Văn Đức, ông có thể cho biết lý do tại sao lại chọn hình thức phim tài liệu truyện, một thể loại chưa được biết đến nhiều ở Việt Nam?
Trước năm 2018 tình cờ tôi xem được bộ phim tài liệu về Đại thi hào Nguyễn Du trên VTV1. Rồi sau đó vào Youtube tôi xem được thêm vài phim tài liệu khác cũng làm về Đại thi hào Nguyễn Du. Với cảm nhận cá nhân những nhà làm phim đã hết sức cố gắng thể hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn, song phim vẫn không có sự mới mẻ và lôi cuốn. Lúc đó tôi nghĩ nếu dùng phương pháp làm phim tài liệu truyện thì sẽ hay và gây được cảm xúc với người xem.
Phim tài liệu truyện là một thể loại kết hợp hai phương pháp thể hiện: Phim tài liệu và phim truyện trong một bộ phim. Với thế giới loại phim này đã có từ lâu, nhưng ở Việt Nam còn mới mẻ. Phim tài liệu truyện được thể hiện thông qua cốt truyện nhưng phải tôn trọng sự thật và chỉ được phép sáng tạo trong sự thật. Từ khi còn theo học (khoa quay phim) trường điện ảnh VGIK (Đại học điện ảnh quốc gia Nga1987 – 1992) được học khá kỹ về phương pháp làm phim tài liệu truyện nên khi tốt nghiệp về nước công tác,tôi đã ấp ủ thực hiện một bộ phim thuộc thể loại này, nhưng do đây là thể loại phim khó, lại cần kinh phí thực hiện lớn nên đành gác lại ước mơ… Nhưng dường như cơ duyên đã cho tôi gặp được TS Phạm Xuân Mừng cùng nhà báo Lương Xuân Trường và nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Tuấn vào năm 2018. Họ đã cho tôi cơ hội được thực hiện bộ phim Đại thi hào Nguyễn Du theo phương pháp tài liệu truyện - thể loại mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay.
Đạo diễn cho biết những khó khăn, thuận lợi trong quá trình quay bộ phim này?
Một trong những khó khăn khi quay bộ phim này là vấnđề bối cảnh. Các bối cảnh (Bích Câu - Thăng Long, Tiên Điền - Nghi Xuân- Hà Tĩnh, Từ Sơn - Bắc Ninh, Quỳnh Côi – Thái Bình - Huế…) nơi cụ Nguyễn Du sinh ra, làm việc, rồi mất không còn như xưa, do đó đoàn phim phải phục dựng lại hầu hết. Hơn nữa, thời gian trong phim trải qua ba triều đại: Cuối thời kỳ Lê - Trịnh, thời kỳ Tây Sơn và đầu thời kỳ nhà Nguyễn, nhưng cơ bản phục trang vẫn gần như là của thời kỳ cuối Lê - Trịnh. Theo một số tư liệu đáng tin cậy, đoàn phim đã căn cứ vào các dữ liệu lịch sử lúc bấy giờ để chọn trang phục đảm bảo tính lịch sử cao.
Một khó khăn nữa đó là về thời tiết và dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản xuất phim.
Nhưng bên cạnh đó Đoàn làm phim chúng tôi cũng có những thuận lợi cơ bản như được sự ủng hộ rất lớn cả vật chất và tinh thần của các cấp lãnh đạo và nhân dân tại các bối cảnh quay như: Hà Tĩnh – quê cha; Bắc Ninh – quê mẹ; Thái Bình – quê vợ; Thành phố Huế - nơi Nguyễn Du làm quan trong triềuđình và một số địa phương khác... Tất cả những người tham gia đoàn làm phim từ các nghệ sĩ đến các bộ phận sản xuất đều làm việc hết mình vì tình yêu mến, kính trọng Đại thi hào Nguyễn Du. Nhân dân tại các bối cảnh quay cũng nhiệt tình ủng hộ đoàn làm phim và mong mỏi sẽ được xem một bộ phim tài liệu lịch sử tái hiện lại bằng câu chuyện có hình ảnh kể về cuộc đời Đại thi hào và tác phẩm Truyện Kiều.
Đạo diễn có thể chia sẻ quan điểm trong quá trình chọn các nhân vật, nhất là đối với nhân vật Nguyễn Du?
Tiêu chí đầu tiên chúng tôi đặt ra là diễn viên không có sự can thiệp của thẩm mỹ viện trên mặt (đặc biệt đối với các nhân vật nữ). Ưu tiên những gương mặt mới lạ. Cố gắng đảm bảo hình thức tương ứng với các tầng lớp, đẳng cấp mà nhân vật thể hiện (từ vua, quan, trí thức, học trò và quần chúng nhân dân lao động). Đặc biệt với hình ảnh Nguyễn Du vì thể hiện suốt quá trình từ khi Người sinh ra, lớn nên và tới lúc tạ thế; các lớp cắt về thời gian: Khi Nguyễn Du 5- 6 tuổi; 8- 10 tuổi; 13 – 15 tuổi và 18 – 55 tuổi; nên yêu cầu các diễn viên đảm bảo có nét hao hao giống nhau. Đoàn phim đã rất công phu tuyển chọn và đảm bảo được yêu cầu này. Với các hình tượng trong Truyện Kiều: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Tú Bà, Kim Trong, Từ Hải … tuy chỉ là hình tượng được tưởng tượng trong tâm trí người đọc nhưng đoàn phim cũng cố gắng khắc họa và chọn diễn viên sao cho được gần gũi nhất có thể…
Còn đối với TS. Phạm Xuân Mừng, lý do gì khiến ông có ý tưởng làm bộ phim về Nguyễn Du?
Tôi là người con của quê hương Hà Tĩnh, từ tấm bé tôi đã rất yêu Truyện Kiều và kính trọng tài đức của cụ Nguyễn Du. Và nhân kỷ niệm 200 năm ngày mất của cụ Nguyễn Du, tôi muốn làm một việc gì đó để tưởng nhớ đến cụ một người con của quê hương Hà Tĩnh, một danh nhân văn hóa của Việt Nam. Đặc biệt thông qua việc làm phim tôi muốn gửi đến mọi người một thông điệp hãy quan tâm hơn đến văn hóa dân tộc, quan tâm hơn đến những giá trị văn hóa cốt lõi là gốc rễ của mọi vấn đề. Cha tôi một người nông dân gần như đã thuộc làu Truyện Kiều và ông thường lấy Truyện Kiều để răn dạy con cháu. Chính từ tình cảm đó đã truyền lại cho tôi sự ngưỡng mộ vô cùng về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
Bỏ ra một số kinh phí tương đối lớn (gần 15 tỷ đồng), ông có nghĩ đến việc sẽ thu lại số tiền này hoặc có thể có lãi…?
Tôi nghĩ mục đích chính của tôi là được thỏa mãn mong ước của mình là được làm một cái gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời và là nén hương thơm thắp cho cụ Nguyễn Du. Mặt khác, bộ phim của chúng tôi được xây dựng hết sức cẩn thận, công phu, và nghiêm túc dễ đi vào lòng người. Vậy, tại sao không?
Xin trân trọng cảm ơn hai ông!
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()