Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:17 (GMT +7)
Gập ghềnh trái ổi Sơn Dương
Thứ 4, 20/09/2023 | 10:35:37 [GMT +7] A A
Vào những năm 2011- 2012, để tìm hướng đi mới cho người dân trong xã phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, Đảng ủy xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long) đã ra nghị quyết chỉ đạo tập trung vận động người dân thí điểm một số cây trồng, vật nuôi mới như ổi lê Đài Loan, thanh long ruột đỏ, dưa hấu, nuôi chim trĩ, gà thả đồi. Các mô hình đưa ra đã được nhân dân trong xã tích cực đồng tình, hưởng ứng, trong đó cây ổi đã tỏ ra là một “ứng viên” thích hợp hơn cả.
Nhà nhà trồng ổi
Đầu tiên, chỉ có gần chục gia đình nhận giống cây trồng thử. Gia đình anh Phan Choong, người dân tộc Sán Dìu ở thôn Đồng Đạng, là một trong số ít người dân đợt đầu mạnh dạn nhận trồng 500 cây. Và anh cũng chỉ dám trồng thử vài sào trong 1ha đất canh tác được giao để trồng ổi. Sau một năm, cây cho trái khá ngon, anh mới quyết định nhận thêm 1.100 cây, cùng 500 cây cũ được tổng cộng 1.600 cây. Theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, mỗi sào anh chỉ trồng khoảng 40 - 45 cây. Giá ổi lúc đầu khá cao, giao tại vườn là 30.000 đồng/kg. Mỗi cây trong năm đầu trung bình cho chừng 20kg quả thương phẩm. Sản lượng quả tăng dần theo các năm và thứ quả ngọt lành ấy cũng cho trái quanh năm. Giá ổi dịp Tết giao được cao nhất, khoảng 35.000 đồng/kg. Đó là thời điểm năm 2012.
Có được thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, anh Choong đã tăng diện tích trồng ổi lên 1,5ha. Anh cũng đã tận tình chỉ dẫn cho nhiều người trong xã cùng trồng. Ổi Sơn Dương mềm, giòn và ngọt, bắt đầu tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Tính cho đến nay, toàn xã Sơn Dương có khoảng 4.000ha đất canh tác trên tổng số gần 7.168ha diện tích chung toàn xã. Trong đó, có khoảng 500 hộ dân trồng ổi trên diện tích hơn 100ha. Những người nông dân chăm chỉ, chất phác vui mừng vì thời gian đầu trái ổi đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho thu nhập của nhà nông. Từ năm 1996, các hộ gia đình ở xã đã được nhà nước thi hành chính sách giao đất canh tác cho người nông dân. Diện tích đất giao tùy thuộc vào diện tích đất thực tế trong các thôn của xã. Trung bình mỗi khẩu được giao 2,5 sào đất canh tác. Khá nhiều người dân trong xã đã “dồn điền, đổi thửa”, chuyển đổi hầu hết diện tích đất trồng cây hàng năm sang trồng ổi.
Trò chuyện với anh Vương Bình, chủ vườn ổi có chất lượng quả ngon “top” đầu của xã, anh cho biết: 1 sào lúa năng suất trung bình 150 kg/sào, một năm cấy 2 vụ thu nhập được 300 kg/sào. Giá thóc bán cao nhất 1.200.000 đồng/tạ, thu được khoảng 3.600.000 đồng/sào/năm. Đầu tư chi phí bằng tiền vào các khâu cày bừa, phân bón, thuốc trừ sâu từ 1.800.000-1.900.000 đồng/sào. Như vậy, tính ra công lao động cả năm chỉ thu được chừng 1.700.000 - 1.800.000đồng/sào. Còn 1 sào ổi trồng được 40 -45 cây, sau một năm, mỗi cây cho khoảng 20kg quả. Năm thứ hai thu được khoảng trên dưới 30kg/cây. Mỗi sào thu được từ 1-1,4 tấn/năm. Từ năm thứ ba trở đi, cây cho sản lượng cao hơn, thu được từ 40- 50kg/cây. Mỗi sào thu được 1,6-2 tấn/năm. Giá trung bình 10.000 đồng/kg thì nhà nông thu về được từ 16.000.000 - 20.000.000đồng/ sào/năm. Đầu tư chi phí phân bón, thuốc trừ sâu hết khoảng từ 5.500.000-6.000.000 đồng/sào/năm. Tức là sau khi trừ các chi phí, người nông dân thu được khoảng từ 10 đến 14 triệu đồng/sào/năm.
Theo anh Bình, tuy công chăm sóc ổi cao hơn so với trồng lúa nhưng trong khoảng 10 năm đầu, cây ổi cho thu nhập đều mà chưa cần phải trồng lại. Như vậy, thu nhập từ cây ổi mang lại cho người nông dân so với cây lúa cao hơn gấp hàng chục lần. Tính đúng đắn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã trong các giai đoạn xác định đẩy mạnh kinh tế nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao cho bà con nông dân đã được thực tế chứng minh.
Nỗi lo về đầu ra
Cây ổi thường cho trái quanh năm. Từ khi cây có hoa đến khi ra trái là 3 tháng. Thu hoạch chính vụ từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch. Song, cũng như một số cây trồng khác trên địa bàn như dưa hấu, bí… người nông dân xã Sơn Dương đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra. Bên cạnh niềm vui “thiên thời, địa lợi, cây không phụ công người chăm bón”, những hộ nông dân trồng ổi trong xã lại luôn phải canh cánh về khâu tiêu thụ. Từ khi cây ổi bắt đầu cho trái đến năm 2018, giá ổi khá tốt và tương đối ổn định 25.000 - 35.000 đồng/kg. Nhưng từ năm 2019 cho đến nay, giá ổi chỉ đạt 10.000 - 12.000 đồng/kg (tính trung bình cả năm). Cho đến bây giờ đang thời điểm chính vụ, giá ổi giảm sâu, chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/ kg. Nếu trừ chi phí, phân gio, túi xốp lồng quả… thì coi như trồng không công.
Anh Choong buồn bã nhắc lại: “Cũng là do mình mà bao nhiêu bà con làm theo. Đến bây giờ thì cả xã đều trồng ổi. Đầu ra không ổn định, thị trường thì bấp bênh...
Như ở thôn Vườn Cau, trưởng thôn Nguyễn Thị Xuân cho biết, cả thôn có 145 hộ, tổng diện tích đất trồng ổi khoảng 7,5ha, chiếm 1/3 diện tích đất nông nghiệp của thôn. Có nhiều hộ nông dân sử dụng gần hết diện tích đất trong quy hoạch trồng cây hàng năm vào trồng ổi. Như nhà anh Năm Toàn trong thôn, gia đình anh 3 người được giao 7,5 sào đất. Anh chị và con đã trồng 7 sào ổi - tức gần hết diện tích đất nông nghiệp được giao. Ổi là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Nhưng một nghịch lý cho không riêng quả ổi trên đất nước ta, không phải chính vụ trong năm thì quả được giá. Còn vào chính vụ thu hoạch, ngoài chuyện trái ổi rớt giá thảm hại, gia đình anh và những nhà trồng ổi khác còn phải lo tìm đầu ra khi thu hoạch đại trà.
Khi chúng tôi “ngô nghê thắc mắc” vì sao bà con không để cây ra trái ít vào thời điểm rộ quả, thì anh Năm hài hước cho biết: Khi cây được chừng 3-5 tuổi, mình bảo gì “nó” cũng nghe. Đến khi “nó” lớn hơn, giống như con mình tuổi trưởng thành, có năm mình ngắt bớt hoa cho “nó” ra ít quả thì cả cây nó “chống lại”, còn không thèm ra quả luôn ấy. Nên giờ mình vẫn phải theo tự nhiên thôi.
Được biết, trong xã cũng có một số hợp tác xã hoạt động trên địa bàn để tìm đầu ra cho quả ổi. Song, cũng chỉ còn tồn tại được một hợp tác xã nhận bao tiêu nhỏ, lẻ đầu ra cho một vài hộ trồng ổi nhưng không hợp đồng bao tiêu giá. Quy cách đóng gói 10 quả/hộp, hình dáng phải đồng đều. Phân bón do hợp tác xã bán cho. Dùng phân bón này người trồng ổi phải bón mỗi tháng 2 lần, gấp đôi công lao động khi dùng một số loại phân bón khác trên thị trường. Đã thế, giá thu mua của hợp tác xã hiện nay chỉ mới chênh 1 - 2 giá so với thị trường. Chính vì vậy, hiện nay mới có chưa đầy chục hộ nhận liên kết với hợp tác xã nên có thể nói rằng, hầu hết "chợ ổi” ở xã Sơn Dương đa phần đều mang tính chất tự phát, trôi nổi theo giá mua của tư thương.
Với tiềm năng phát triển du lịch to lớn của Quảng Ninh, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương ngay trên chính thị trường nội tỉnh hoàn toàn là khả thi. Nỗi niềm của người nông dân trồng ổi không gì hơn là rất mong các cấp chính quyền hỗ trợ, hướng dẫn, tìm được thị trường ổn định cho đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp, trong đó có quả ổi Sơn Dương. Đặc biệt, mong muốn của người nông dân xã Sơn Dương là được gắn thương hiệu ổi Sơn Dương vào các chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm của tỉnh.
Hiện nay, Hội nông dân xã Sơn Dương đã có những bước đi cụ thể cho người trồng ổi của xã. Thôn Đồng Đạng cũng đã thành lập tổ hội nông dân nghề nghiệp dịch vụ và du lịch trải nghiệm vườn Sơn Dương, trên cơ sở “5 tự, 5 cùng”. Cùng chí hướng, cùng mối quan tâm, cùng chia sẻ, cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng thụ; Tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm. Giờ đây, tư duy của người nông dân trên địa bàn xã đã có nhiều thay đổi tích cực. Việc từng bước thực hiện các mô hình trồng ổi tiên tiến như lắp đặt hệ thống tưới nước theo tiêu chuẩn Đài Loan, trải màng nhựa để chủ động tưới, tiêu nước cho cây ổi… Cùng với sự hỗ trợ tích cực về phía chính quyền, chúng ta có quyền tin rằng tương lai không xa, những người nông dân trong xã sẽ mạnh mẽ vươn lên, làm giàu ngay trên chính quê hương Căn cứ địa cách mạng anh hùng năm xưa.
Lại Tuấn Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()