Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:51 (GMT +7)
Gắn lý luận với thực tiễn để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
Thứ 3, 03/10/2023 | 14:37:07 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Lý luận với thực tiễn có mối liên hệ khăng khít với nhau không thể tách rời, tác động lẫn nhau, chuyển hóa cho nhau.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc gắn lý luận với thực tiễn, trong thời gian vừa qua, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ đã tăng cường tính thực tiễn cho giảng viên thông qua việc tổ chức cho giảng viên đi nghiên cứu thực tế và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế.
Nghiên cứu thực tế là một hoạt động chuyên môn thuộc nhiệm vụ của giảng viên nhằm mục đích để giảng viên nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn, qua đó đối chứng, so sánh với lý luận để bổ sung vào hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nội dung nghiên cứu thực tế gắn liền với nội dung kiến thức giảng dạy của các khoa, như: Việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị; tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của xã, phường, thị trấn, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh; những vấn đề nổi cộm, kỹ năng xử lý tình huống và giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở…
Cùng với việc lựa chọn nội dung nghiên cứu thực tế phù hợp, Nhà trường cũng không ngừng đổi mới phương thức nghiên cứu thực tế, với nhiều phương thức khá đa dạng như: nghe báo cáo thực tế do các địa phương, cơ quan, đơn vị trao đổi; nghiên cứu sâu các mô hình điển hình, tìm hiểu các cách làm hay, làm mới của địa phương, cơ quan, đơn vị; tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân các cấp, báo cáo viên, các đoàn công tác của tỉnh… Những phương thức nghiên cứu thực tế này đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực.
Gần đây nhất, ngày 19/9/2023, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tổ chức cho giảng viên khoa Xây dựng Đảng đi nghiên cứu thực tế tại phường Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) và xã Đông Xá (huyện Vân Đồn). Tham gia đoàn nghiên cứu thực tế có 10 giảng viên. Tại buổi nghiên cứu thực tế, các giảng viên khoa Xây dựng Đảng có cơ hội tìm hiểu, trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại phường Cửa Ông và xã Đông Xá. Đây là những tư liệu quý báu để giảng viên đưa vào nội dung bài giảng, đảm bảo phương châm gắn lý luận với thực tiễn.
Bên cạnh việc đi nghiên cứu thực tế, giảng viên còn có một nhiệm vụ nữa, đó chính là hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Nhà trường đã tổ chức cho 7 lớp Trung cấp lý luận chính trị đi nghiên cứu thực tế. Nếu như giảng viên đi nghiên cứu thực tế thường là ở địa bàn trong tỉnh, thì việc hướng dẫn học viên các lớp đi nghiên cứu thực tế diễn ra ở cả trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nơi đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng…, nơi gắn với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước. Điển hình như: Ninh Bình, Phú Thọ, Tam Đảo, Cao Bằng… Thực tế cho thấy, thông qua việc hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế, giảng viên sẽ thu thập được lượng kiến thức thực tế phong phú, cũng như có thể học tập nhiều kinh nghiệm bổ ích, có được sự sự so sánh, đối chiếu về cách thức xử lý, giải quyết vấn đề thục tiễn ở từng địa phương, từ đó giúp cho bài giảng thêm sinh động và phong phú.
Như vậy, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn, nên việc nghiên cứu thực tế của giảng viên và hướng dẫn học viên đi nghiên cứu thực tế luôn được Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.
Nguyễn Thị Nhị (Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ)
Liên kết website
Ý kiến ()