Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:56 (GMT +7)
Gắn bó với những gương than
Thứ 2, 17/07/2023 | 10:00:47 [GMT +7] A A
Nghề mỏ là một công việc nặng nhọc, nên thợ mỏ được ví là người “Ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”. Vì thế nghề mỏ đòi hỏi người thợ phải có thể lực dẻo dai, sức chịu đựng tốt, một tình yêu đặc biệt với nghề. Phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", những người thợ mỏ hôm nay luôn nỗ lực vượt khó, gắn bó với gương than, nhiều người được tôn vinh "Người thợ mỏ - Người chiến sĩ".
Dành tình yêu với đường lò
Thợ lò Lê Văn Biên (Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Thống Nhất - TKV) được toàn Tập đoàn biết đến. Dưới tầng lò sâu trong lòng đất, anh đang từng ngày cùng với các đồng nghiệp hăng hái thi đua lao động, sản xuất. Khó khăn bao nhiêu cũng không làm chậm nhịp "bước chân vững chắc tiến quân vào lò" của các anh.
Anh Biên sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hải Dương, quen với công việc đồng ruộng, chăn nuôi, cấy hái. Năm 2004 anh ra Quảng Ninh học trung cấp khai thác mỏ. Cái duyên với nghề mỏ của anh bắt đầu từ đây.
Anh Biên chia sẻ: "Lần đầu xuống lò, tôi vô cùng bỡ ngỡ. Đó là những đường lò rất dài, nhỏ, sâu hun hút, nhiều ngóc ngách hơn so với tưởng tượng của tôi. Chính những đường lò này đã cho tôi tình yêu với nghề, bài học về cuộc sống và sự tự hào về những thành tích đạt được. Nghề mỏ đã chứng minh cho tôi thấy chỉ cần đam mê, nhiệt huyết, phấn đấu và cống hiến hết mình thì có thể vượt qua mọi khó khăn để đi đến thành công. Nghề cũng đã cho tôi một mái ấm gia đình hạnh phúc, những đồng nghiệp, anh em tốt, cùng kề vai, sát cánh, sẵn sàng làm việc hết mình để chinh phục những nhiệm vụ khó khăn, tiến đến những tầng than sâu hơn".
Đến nay anh đã có 13 năm gắn bó với nghề. Là thợ bậc cao trực tiếp khai thác than trong hầm lò, anh Biên luôn chủ động phối hợp kiểm tra diện sản xuất trước khi vào ca để đưa ra biện pháp làm việc phù hợp, đảm bảo năng suất, an toàn cao. Trong quá trình làm việc, anh chấp hành nghiêm các quy định về kỹ thuật, an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ; thực hiện đúng, đủ chức trách nhiệm vụ của thợ chính trong việc giám sát, đôn đốc anh em trong ca thực hiện nội quy của đơn vị.
Phân xưởng Khai thác 7 có diện sản xuất gặp nhiều khó khăn, do địa chất không ổn định, lưu lượng nước chảy ra từ luồng phá hỏa lớn, làm ảnh hưởng đến công tác vận tải than, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn. Phát huy bản lĩnh của người thợ mỏ, tinh thần ham học hỏi, cùng kinh nghiệm trong quá trình lao động, anh Biên đã tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Điển hình như sáng kiến tách nước lò chợ bằng cách đặt ống HDPE trong lò chợ sát nền luồng phá hỏa để thu nước.
Xuất phát từ những khó khăn trong công tác vận tải than, gây ách tắc sản xuất, ảnh hưởng tới sản lượng khai thác do nước chảy trong luồng phá hỏa, anh Biên đã nghiên cứu, đề xuất, thực hiện giải pháp tách nước lò chợ bằng cách đào hố thu nước, đặt ống HDPE dưới nền lò chợ để dẫn toàn bộ nước xuống dưới lò dọc vỉa vận tải. Lò chợ chuyển sang luồng mới sẽ tổ chức di chuyển hố thu và ống nước theo. Nhờ đó công tác khấu tiến gương lò chợ đảm bảo năng suất, quá trình vận tải than trong lò chợ không bị ách tắc, tuổi thọ thiết bị vận tải được đảm bảo; sản lượng than hằng ngày tăng từ 700 tấn lên 800 tấn, làm lợi hơn 2,8 tỷ đồng/tháng. Tổ sản xuất của anh Biên luôn đạt tổ lao động xuất sắc, sản lượng than khai thác luôn đạt và vượt định mức được giao, thuộc nhóm thu nhập cao của Công ty. Tiền lương năm 2022 của anh Biên bình quân 35,3 triệu đồng/tháng.
Anh Biên đạt danh hiệu “Thợ mỏ sáng tạo” của Công đoàn TKV, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, điển hình tiên tiến của TKV… Đặc biệt anh là một trong 75 đại biểu tiêu biểu thanh niên tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2023 được Chủ tịch nước gặp mặt động viên.
Người sở hữu những "sáng kiến khủng"
Bằng tình yêu với nghề mỏ, anh Phạm Thành Công, Trưởng Phòng Kỹ thuật công nghệ mỏ (Công ty CP Than Hà Lầm - Vinacomin) đã có nhiều sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng. Đường lò, hòn than và nghề mỏ là khởi nguồn, nuôi dưỡng và thắp lên đam mê nghiên cứu sáng tạo ở anh.
Dáng người nhỏ bé, nước da ngăm đen, giọng nói chậm rãi, anh Công khiến chúng tôi bất ngờ khi được biết đây là tác giả của những sáng kiến "khủng nhất ngành Than". Anh Công chia sẻ: 20 năm gắn bó với mỏ từ khi còn là cậu thanh niên mới ra trường, hơn ai hết tôi hiểu rõ nỗi vất vả của thợ lò. Diện khai thác ngày càng phức tạp, xuống sâu, điều kiện sản xuất chật hẹp, khó khăn đối với thợ càng thêm bội phần. Đó chính là lý do khiến tôi luôn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, cho ra các sáng kiến với mong muốn cải thiện điều kiện làm việc của thợ lò, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo kế hoạch khai thác".
Đầu năm 2020, Lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 vỉa 7 của Công ty gặp phải tình trạng đứt gãy địa chất, phải cắt 120m đá trụ trên tổng 156m, chiều cao cắt đá trung bình 2m, đặc biệt có đoạn phải cắt đá kín gương than. Lò chợ phải khoan nổ mìn, cắt đá, nên tiến độ chậm, sản lượng thấp, tốn nhiều chi phí, hao tổn sức lực nguy cơ cháy nổ sập hầm cao. Sản lượng lò chợ 40.000-45.000 tấn/tháng, sản lượng dự kiến hết năm là 738.000 tấn, không đạt kế hoạch TKV giao.
Trên cơ sở khảo sát thực tế, đánh giá bằng các phương pháp khoan thăm dò, nghiên cứu tài liệu, anh Công đã chỉ đạo thực hiện đào cải tạo lò thông gió Lò chợ cơ giới hóa 7-3.1 phần nóc bốc cao hơn 1,5÷2m với lò thông gió cũ, kết hợp điều chỉnh dốc độ khấu lò chợ hướng dốc theo phương để lò chợ giẫm lên lớp đá phay trong lò chợ, đưa lò chợ về trạng thái giảm cắt. Đồng thời kết hợp với công tác trắc địa, địa chất cập nhật dốc độ và điều kiện địa chất hằng tuần để chỉ đạo công trường đang khai thác lò chợ khấu vượt phay. Đây là lần đầu áp dụng giải pháp khấu lò chợ cơ giới hóa khống chế dốc độ theo phương tại Công ty và TKV.
Giải pháp được áp dụng vào thực tiễn đã làm tăng dần sản lượng khai thác than; năm 2020 đạt 858.000 tấn, tăng 120.000 tấn so với dự kiến khi khấu cắt đá, làm lợi 33,6 tỷ đồng.
Anh Công tiếp tục có nhiều sáng kiến làm lợi cho Công ty, nhất là tận thu tài nguyên than. Theo kế hoạch, lò chợ khấu sẽ dừng trước ngã ba lò thoát nước mức -210÷215 khu III vỉa 11. Như vậy phần trữ lượng gần khu vực phay phá đứt gãy sẽ tổn thất tài nguyên, song lại chưa có tuyến đường lò cung cấp gió sạch. Anh Công đã nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp thi công đào lò vận tải mức -185÷-190 khu III vỉa 11 khai thác Lò chợ 11-1.22 khu III vỉa 11, tận thu được 55.000 tấn than, làm lợi 2,2 tỷ đồng, góp phần hoàn thành sản lượng TKV giao cho Công ty.
Hay như Lò chợ 11-1.6 mức -190÷-170 khu II vỉa 11, khi khai thác đến giới hạn dừng phải để lại trụ bảo vệ lò thông gió mức -200÷-140 phục vụ công tác thông gió cho các phân tầng phía dưới sẽ làm tổn thất tài nguyên. Anh Công đã chỉ đạo nghiên cứu, thiết kế, thi công đào lò thông gió mức -185 khu II vỉa 11 ra ngoài khu vực trụ bảo vệ thay thế cho lò thông gió mức -200÷-140 để thông gió cho các phân tầng phía dưới. Qua đó lò chợ sẽ khai thác hết phần trụ bảo vệ lò thông gió mức -200÷-140, sản lượng 20.000 tấn than, làm lợi 540 triệu đồng.
Nhiều năm liền, anh Công là chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn, được tặng thưởng Bằng lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Huy hiệu "Thợ mỏ vẻ vang" của TKV, danh hiệu "Thợ mỏ sáng tạo" của Công đoàn TKV...
Đây chỉ là 2 trong số hàng nghìn tấm gương tiêu biểu đang ngày đêm không ngừng thi đua, lao động, sản xuất để đánh thức nguồn tài nguyên đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển của tỉnh, của đất nước.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()