Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:31 (GMT +7)
Gần 9 nghìn “ma men” lái xe dịp lễ 2/9: Chế tài xử phạt đã đủ mạnh?
Thứ 3, 06/09/2022 | 08:45:03 [GMT +7] A A
Dù lực lượng chức năng ra quân xử lý quyết liệt nhưng tình trạng “ma men” lái xe vẫn diễn ra phổ biến, nhất là dịp Lễ, Tết.
Tái diễn “ma men” lái xe gây TNGT nghiêm trọng
Chiều 3/9, Dương Văn Thành (SN 1975, trú ở xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) lái ôtô 5 chỗ, biển số 37A - 391.70 đi với tốc độ nhanh trên quốc lộ 48A.
Khi đến xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, đã đâm mạnh vào xe máy do ông T.V.Q. (51 tuổi, trú huyện Nghĩa Đàn) điều khiển, chở theo vợ chạy phía trước khiến cả 2 vợ chồng ông Q. tử vong tại chỗ, 5 người trên ô tô bị thương nặng. Vụ tai nạn đến nay vẫn khiến nhiều người rùng mình, hoảng hốt.
Công an thị xã Thái Hoà cho biết, tài xế Thành có uống bia rượu, nồng độ cồn trong máu của người này đo được sau khi gây tai nạn vượt ngưỡng quy định nhiều lần.
Trước đó, tối 12/8, tài xế Ngô Công Hán (SN 1987) điều khiển ô tô sau khi uống rượu bia đã mất lái, lao thẳng vào cây xăng trên đường Láng làm 8 người bị thương.
Hay mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt hành chính 70 triệu đồng với nữ tài xế N.T.M.L. (26 tuổi, huyện Hớn Quản) về hành vi vi phạm quy định về ATGT đường bộ, trong đó phạt 40 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Phạt 18 triệu đồng đối với hành vi gây TNGT không dừng lại theo quy định, 12 triệu đồng đối với hành vi không đi đúng phần đường gây tai nạn giao thông theo quy định. Đồng thời, cơ quan công an cũng tước giấy phép lái xe 24 tháng với nữ tài xế trên.
Đáng chú ý, trong 4 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh 2/9/2022 (từ 1/9 - 4/9), theo thống kê của Cục CSGT, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 8.876 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn; phạt tiền gần 40 tỷ đồng.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn ngưỡng chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: 4.240 trường hợp; Vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đến 0,4 miligam/1 lít khí thở: 1.614 trường hợp; Vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: 2.909 trường hợp; không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn: 147 trường hợp.
Những con số trên thực sự đáng báo động về ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định Luật GTĐB: Đã uống rượu bia không lái xe.
Cần chế tài mạnh mẽ hơn
Theo quy định hiện nay, hành vi sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị phạt từ 18 - 40 triệu đồng, tước GPLX lên tới 24 tháng.
PGS,TS. Phạm Việt Cường, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, mức phạt tiền tại Việt Nam so với thế giới là khá cao, tuy nhiên hình phạt bổ sung mới chỉ dừng ở thu giữ GPLX, chưa đủ sức răn đe.
Hành vi vi phạm nồng độ cồn tại Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến, nhất là các dịp Lễ, Tết, gây ra nhiều vụ TNGT thảm khốc và thương tâm. Đã đến lúc cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn.
“Trên thế giới, bên cạnh xử phạt hành chính còn áp dụng nhiều hình phạt nặng khác như: Phạt tù, phạt lao động công ích, ghi nhận vi phạm trên hệ thống quản lý lái xe và phạt nặng ở hành vi tái phạm”, ông Cường nói và cho rằng, nếu ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý, không khó để lực lượng chức năng xác định được hành vi tái phạm của tài xế.
Đồng quan điểm, TS Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển GTVT, Đại học GTVT cho rằng cần đa dạng hóa hình thức xử phạt như buộc học và thi lại bằng lái xe; Lao động công ích; Buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể phạt tù...
Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, tại các nước phát triển trên thế giới đều có lộ trình xử lý vi phạm nồng độ cồn gây mất ATGT, trước hết là xử phạt vi phạm hành chính, nếu mức vi phạm vẫn leo thang sẽ áp dụng biện pháp xử lý hình sự, vừa phạt tiền vừa bỏ tù đối tượng vi phạm.
TS Tuấn cho biết, Việt Nam cũng cần đi theo hướng này, trước hết phải xác định rõ lộ trình và từng bước thực hiện để đạt được hiệu quả.
Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Đào Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật Tiền Phong bày tỏ sự ủng hộ với việc cần tăng nặng mức xử phạt và “đánh” mạnh vào hành vi tái vi phạm nồng độ cồn, để tăng sức răn đe, làm giảm tình trạng lái xe sử dụng nồng độ cồn không đủ nhận thức để làm chủ phương tiện.
“Thậm chí, còn phải sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng phạt tù những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn”, luật sư Liên nói thêm.
“Ở Mỹ đã có các quy định và luật về việc các cửa hàng hay hàng quán phải chịu trách nhiệm khi 1 người vì uống bia, rượu ở đó sau đó lái xe gây tai nạn. Tại Việt Nam, có thể quy định truy cứu trách nhiệm của các cửa hàng, quán nhậu khi có tai nạn xảy ra do 1 người uống rượu, bia từ cửa hàng đó gây ra. Nhưng để luật đi vào cuộc sống, cần có cách thức rõ ràng để tổ chức vận hành.
Quy định cấm bán rượu bia từ 22h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau là cần thiết để hạn chế tình trạng uống quá nhiều, dẫn đến khả năng phản xạ và ứng phó với các tình huống trên đường ở mức rất thấp” - TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()