Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:35 (GMT +7)
Gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn chính sách theo Nghị định 78
Thứ 5, 29/12/2022 | 15:15:05 [GMT +7] A A
Sáng 29/12, tại TP Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 78). Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc NHNH Việt Nam, Chủ tịch HĐQT NHCSXH; Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH.
Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Cụ thể: Chính sách đã xây dựng thành công mô hình quản trị đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn đất nước, phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với tín dụng chính sách xã hội; xây dựng và hoàn thiện bộ máy điều hành, tổ chức điều hành quản lý vốn thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Đặc biệt là chính sách đã huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Từ 8.631 tỷ đồng dư nợ ban đầu, đến hết tháng 11/2022, tổng dư nợ tín dụng đạt gần 280.000 tỷ đồng (tăng gấp 32 lần); tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 21%. Hiện nay gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn đang dư nợ.
Trong 20 năm qua, gần 28,7 triệu lượt khách hàng đã được vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm với doanh số cho vay là trên 611.000 tỷ đồng (chiếm 74% tổng doanh số cho vay); hơn 13,8 triệu lượt khách hàng được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở, trang trải chi phí học tập… với doanh số cho vay gần 200.000 tỷ đồng (chiếm 24% tổng doanh số cho vay); gần 280.000 lượt khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được vay vốn để phục hồi và phát triển kinh tế với doanh số cho vay gần 18.000 tỷ đồng.
Tại Quảng Ninh, trong 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách Trung ương và địa phương tập trung đầu tư đã góp phần giúp trên 73.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 200.000 lao động; giúp trên 27.600 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 254.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 7.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; gần 1.700 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 4.000 lượt người lao động tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo được tiếp cận với nguồn vốn ngân sách địa phương để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh…
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tính hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai chương trình tín dụng; đề xuất các giải pháp quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định: Với những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống. Đồng thời là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chính sách đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.
Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị NHCSXH rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay cần hướng đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()