Chiều 24/8, gần chục bộ đội, Công an phường Võ Thị Sáu, quận 3 tuần tra nhiều tuyến đường TP HCM để tìm kiếm người tá túc ở vỉa hè trong ngày thứ hai thực hiện cao điểm tập trung người lang thang.
Dưới cơn mưa nặng hạt, một người đàn ông da rám nắng, tóc bạc phơ ôm balô quần áo, co ro dưới mái hiên cửa hàng trên đường Cách Mạng 8 được cảnh sát tiếp cận. "Tôi thất nghiệp hơn hai tháng nay, không có tiền nên phải ra đường ngủ", người đàn ông 65 tuổi rưng rưng nước mắt khi được cảnh sát hỏi.
Ông cho biết, do tuổi cao không còn phụ hồ nổi nên từ Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) lên TP HCM từ giữa năm để làm bảo vệ. Gần ba tháng dịch, không có việc làm, không có chỗ ở nên ông đã tá túc vỉa hè, sống nhờ thức ăn từ người dân dọc đường và được các nhóm thiện nguyện phát mỗi tối. "Lúc tôi ngủ thì bị móc bóp mất hết giấy tờ nên cũng không thể liên hệ ai để về quê", ông nói.
Theo cảnh sát, ngoài trường hợp này, hơn 20 người cơ nhỡ là lao động thất nghiệp không có nơi trọ, ở dọc các tuyến đường, gầm cầu đã đưa về hai ngày qua. Người lang thang sau khi xét nghiệm sẽ được sàng lọc đưa về Trung tâm Hỗ trợ Xã hội hoặc trại cai nghiện. Trường hợp dương tính nCoV sẽ được phân loại chữa trị.
Cách đó 4 km, hàng chục người già, ăn xin tá túc bên trong công viên 23 Tháng 9 cũng được UBND phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) động viên đưa về nơi tập trung. Nhiều nhóm tụ tập không chấp hành bị lực lượng chức năng cưỡng chế theo quy định. Ông Lê Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, qua test nhanh gần 30 người đã phát hiện bốn trường hợp dương tính nCoV được đưa đi chữa bệnh.
Ở bên kia kênh Bến Nghé, là địa bàn tập trung đông người cơ nhỡ, quận 4 đã đưa 116 trường hợp ăn ngủ dọc đường Võ Văn Kiệt, gầm cầu Mống, Calmette về chăm sóc, tiêm vaccine tại ở trường THCS Nguyễn Huệ, phường 2. Qua xét nghiệm, 11 người trong số này là F0 không có triệu chứng đã được đưa về các khu thu dung.
Phó chủ tịch UBND quận 4 Đỗ Thị Trúc Mai cho hay, ngoài một số người nghèo nói rằng bị chủ trọ lấy lại nhà phải ra đường ở, còn có nhiều người nghiện ma túy sống lang thang. "Việc lo ăn uống cho những người này thì dễ nhưng quán xuyến trật tự ở khu tập trung sẽ khó do ý thức của họ không cao. Nhưng nếu để họ ở cộng đồng thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, do đó quận sẽ tính toán hợp lý đối với từng nhóm người lang thang", bà Mai nói.
Theo một lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM, trong hai ngày qua đơn vị đã tiếp nhận khoảng 300 người lang thang được các quận, huyện đưa về. "Họ sẽ được chăm lo đủ các bữa ăn và test Covid-19 cách nhau 3 ngày", lãnh đạo Trung tâm nói và cho biết nhóm người này sẽ được chia nhỏ về các trung tâm khác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có nhiều không gian sinh hoạt hơn.
Ý kiến ()