Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 13:19 (GMT +7)
Gần 11 tỷ USD cam kết hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam-Singapore
Thứ 7, 26/02/2022 | 09:10:24 [GMT +7] A A
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Singapore cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Theo Đặc phái viên TTXVN, chiều tối 25/2, dự và phát biểu tại buổi Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam-Singapore trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore (từ ngày 24-26/2), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai nước hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác chiến lược vào năm 2023, do đó, doanh nghiệp hai nước cần có những hành động cụ thể, thiết thực và xứng đáng để đóng góp vào mối quan hệ này.
Tại buổi Đối thoại, các doanh nghiệp hai nước đã trao đổi các văn kiện hợp tác với tổng số vốn cam kết đầu tư lên đến gần 11 tỷ USD.
Sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư đặc biệt này có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp hai nước trong nhiều lĩnh vực gồm cảng biển, đô thị thông minh, năng lượng sạch và tái tạo, phát triển xanh, bền vững, kinh tế số.
Tại buổi Đối thoại, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã giao các Bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương giải đáp trực tiếp các kiến nghị, thắc mắc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Singapore về nhiều lĩnh vực; đặc biệt là định hướng tầm nhìn phát triển của Việt Nam 10 năm tới với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất khu vực và thế giới, lộ trình thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu và một số vấn đề khác.
Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng trong việc triển khai các chiến lược hợp tác hai nước, đặc biệt là triển khai các hình thái hợp tác mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu thông điệp Việt Nam luôn tạo mọi điều thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Singapore thành công thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường công khai, minh bạch; khắc phục các bất cập như chi phí dịch vụ logistics cao, các vấn đề về thủ tục hành chính, mặt bằng, nguồn nhân lực.
Cũng giống như Singapore, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp phục hồi nền kinh tế và mục tiêu năm 2022, Việt Nam tăng trưởng khoảng 7%, kiểm soát lạm phát dưới 5%, đảm bảo cân đối lớn và môi trường vĩ mô để các doanh nghiệp Singapore yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam cũng theo đuổi mục tiêu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đến năm 2025 là từ 6,5 đến 7%. Kinh tế số chiếm trên 20% GDP. Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là những cơ hội tốt để doanh nghiệp Singapore đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam chuyển từ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đơn thuần sang hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội và với người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trên cơ sở đó Việt Nam ưu tiên hợp tác với các dự án FDI có công nghệ cao, đổi mới sáng tạo; có sự chia sẻ và lan tỏa hiệu quả phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị; thúc đẩy phát triển kinh tế số, phát triển bền vững của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Một tinh thần hai bên cùng có lợi, cho doanh nghiệp, người dân và quốc gia hai nước."
Chủ tịch nước cũng cho biết trên cơ sở mối quan hệ Việt Nam-Singapore đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, lãnh đạo hai nước khuyến khích kết nối hai nền kinh tế và hướng đến kết nối hai nền kinh tế trên nền tảng số.
Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực này đã được các bộ, ngành hai nước ký kết trong chuyến thăm này. Cùng với đó là sự kết nối toàn diện giữa đầu tư, thương mại, tài chính, giáo dục đào tạo, logistics, công nghệ thông tin, dịch vụ...
Trên cơ sở thành công của các khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), biểu tượng trong hợp tác kinh tế hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư các VSIP ở các địa phương khác như Quảng Trị, Cần Thơ, Quảng Nam, đồng thời mở rộng một số dự án khác như tại Nghệ An, Quảng Ngãi.
Chúc mừng các doanh nghiệp hai nước ký kết hàng loạt dự án hợp tác đầu tư, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ký kết này phải được các doanh nghiệp cụ thể hóa trong thực tế.
Bước sang thập kỷ thứ 5 quan hệ song phương, tiềm năng hợp tác hai nước rất phong phú, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu một số định hướng hợp tác hai nước thời gian tới.
Theo Chủ tịch nước cần đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết kinh tế trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực, phát huy hiệu quả Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đưa Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) triển khai hiệu quả.
Triển khai tầm nhìn Hiệp định kết nối hai nền kinh tế trong nền tảng số, mở cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh. Các doanh nghiệp Singapore chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đánh giá cao Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra các cam kết trước các nhà đầu tư Singapore và tin tưởng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, tại Đối thoại, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Singapore Tan See Leng cho biết các doanh nghiệp Singapore đang có bước phát triển lớn trong các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện các nhà đầu tư này đang mở rộng kinh doanh ra Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bình Dương. Xu thế này không hề chậm lại dù có tác động của dịch COVID-19.
Ông cũng thông tin về một số nội dung vừa được trao đổi, thống nhất trong định hướng hợp tác với Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam; nhất là trong các lĩnh vực như kinh tế số, năng lượng, chứng chỉ số trong sản xuất lương thực, nông nghiệp…
Tại sự kiện này, Tập đoàn SOVICO cùng tập đoàn Keppel với các công ty thành viên Keppel Land, Keppel Urban Solutions trao thỏa thuận về phát triển các giải pháp năng lượng và đô thị hóa bền vững tại Việt Nam trị giá 1,5 tỷ USD. SOVICO và Công ty Keppel Energy Ventures cũng trao thỏa thuận hợp tác về khai thác công nghệ bền vững và phát triển các giải pháp năng lượng bền vững toàn diện, chuyển đổi thành nền kinh tế xanh và giảm phát thải carbon trị giá 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra, SOVICO, Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn Changi Airport trao thỏa thuận về cung cấp dịch vụ hàng không tại các sân bay Việt Nam trị giá 1,5 tỷ USD. Hãng Hàng không Vietjet và Tập đoàn ST Engineering (Singapore) trao Hợp đồng cung ứng dịch vụ kỹ thuật và thiết bị tàu bay trị giá 150 triệu USD.
Ngân hàng Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HD Bank) và Công ty Thought Machine (Anh) trao thỏa thuận về tích hợp giải pháp công nghệ tiên tiến cho dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam.
Cũng nhân dịp này, Tập đoàn T&T Group đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ với Tập đoàn YCH (Singapore) về nghiên cứu cơ hội hợp tác đầu tư và triển khai dự án Logistics có quy mô trên 70ha tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Đây là bước tiếp nối thành công sự kiện khởi công dự án Siêu cảng-Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc vừa được T&T Group và YCH tổ chức vào cuối năm 2021.
Dự án được kỳ vọng sẽ là cánh tay nối dài cho hệ thống cảng biển, giúp giảm áp lực lên hệ thống cảng; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp, các nhà máy trong việc gom hàng, đóng rút hàng hóa và thực hiện thủ tục thông quan hải quan, đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành trơn tru và hiệu quả. Qua đó góp phần thúc đẩy giao thương kinh tế, hàng hóa các tỉnh miền Nam Việt Nam tới các thị trường quốc tế.
Tập đoàn TH và HAO Mart, hệ thống siêu thị bán lẻ hàng đầu Singapore, ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác chiến lược trong việc tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm sữa tươi sạch và các mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sạch, an toàn, hữu cơ của TH tại thị trường Singapore.
Tại sự kiện này, các doanh nghiệp hai nước đã ký kết và trao văn kiện hợp tác trị giá gần 11 tỷ USD trong nhiều lĩnh vực; trong đó, riêng tập đoàn SOVICO cùng các đối tác liên quan đã có chuỗi thoả thuận với tổng trị giá lên tới 5,2 tỷ USD./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()