Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Farmstay: Hướng đi tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn
Thứ 4, 14/08/2024 | 15:36:56 [GMT +7] A A
Nếu muốn tạm lánh những ồn ào tất bật của nhịp sống thành thị để tận hưởng không gian trong lành, yên tĩnh nơi làng quê, tìm kiếm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, công việc nhà nông và văn hóa bản địa, thì farmstay chính là lựa chọn tuyệt vời dành cho du khách. Đây được xem là hướng đi giàu tiềm năng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, song cần có hành lang pháp lý phù hợp để hoạt động hiệu quả, đúng quy định.
Farmstay hay còn gọi là “lưu trú nông trại”, “nghỉ dưỡng nông trại”… có thể hiểu đơn giản là hình thức du lịch gắn với các trang trại nông nghiệp, nơi cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, cùng các hoạt động như: Vui chơi, trải nghiệm sản xuất, chế biến, thu hoạch, mua sắm sản phẩm nông nghiệp trực tiếp tại trang trại… Farmstay đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới định hình ở Việt Nam và ngày càng có xu hướng phát triển mạnh, đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19, khi xu hướng du lịch xanh, bền vững, gần gũi với thiên nhiên được du khách đặc biệt quan tâm.
Là quốc gia nông nghiệp có truyền thống lao động sản xuất lâu đời, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, phù hợp canh tác đa dạng nhiều giống cây trồng, vật nuôi, cùng với đó là các giá trị văn hóa đặc sắc được hình thành gắn liền quá trình sản xuất nông nghiệp, Việt Nam được đánh giá là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên vô giá để phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó có farmstay. Đây cũng là mô hình du lịch có phân khúc thị trường rộng, đáp ứng được nhu cầu trải nghiệm của cả trẻ em, người lớn, nhất là nhóm khách gia đình, khách du lịch quốc tế…
Theo các chuyên gia, phát triển hình thức du lịch farmstay không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mà còn giúp thúc đẩy tiêu thụ tại chỗ, gia tăng nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, bảo tồn di sản nông nghiệp và quảng bá văn hóa địa phương. Thời gian qua, mô hình farmstay nở rộ khá mạnh mẽ tại các tỉnh, thành phố của nước ta, như: Hà Nội, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… Nhiều farmstay trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển farmstay tại nước ta đặt ra không ít vấn đề. Trong Báo cáo tổng hợp nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam và khuyến nghị chính sách”, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) cho biết: Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương, định hướng lớn của nước ta, được thể hiện xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng, văn bản của Chính phủ.
Tuy nhiên, liên quan vấn đề phát triển farmstay, Việt Nam vẫn chưa có những văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể, trong khi đây là loại hình mang tính đặc thù và liên ngành, được quy định, điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau thuộc nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Điều này khiến nhiều địa phương lúng túng, gặp khó khăn trong công tác quản lý, cả trong khuyến khích phát triển farmstay cũng như xử lý sai phạm đối với loại hình kinh doanh này.
Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển loại hình farmstay tại nhiều địa phương ở Việt Nam là rất lớn, nhưng không phải tất cả đều được quy hoạch trong khu vực đất thương mại dịch vụ. Nhiều địa phương xảy ra trường hợp đất được quy hoạch thương mại dịch vụ thì không có tiềm năng phát triển farmstay, còn đất có tiềm năng phát triển farmstay lại không được quy hoạch đất thương mại, dịch vụ. Việc điều chỉnh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển loại hình farmstay ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quy hoạch của địa phương.
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư lợi dụng kinh doanh farmstay để đầu cơ đất nông nghiệp, kinh doanh bất động sản trái phép, làm thay đổi tính chất, quy mô và mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, không ít farmstay hoạt động tự phát cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, an toàn cho khách du lịch trong quá trình tham quan, trải nghiệm…
Vì thế, để thúc đẩy phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, vấn đề quan trọng là phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý về farmstay, đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch để tận dụng tối đa tiềm năng của mô hình này, bảo đảm sự phát triển bền vững và có lợi cho cả cộng đồng địa phương và du khách. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn, về xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như phổ biến kinh nghiệm, kiến thức quản lý cho người dân đối với mô hình kinh doanh mới này, như kỹ thuật canh tác nông nghiệp, kỹ năng giao tiếp du lịch…
Bên cạnh đó, ngành du lịch cần xây dựng bộ tiêu chí điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, tiêu chí về farmstay gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm định hướng cho các địa phương đầu tư xây dựng, tổ chức không gian điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn, điểm đến farmstay đáp ứng yêu cầu khai thác các giá trị đặc trưng. Ngành du lịch cũng cần phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng tài liệu hướng dẫn quy trình phục vụ một số dịch vụ du lịch cơ bản tại các điểm farmstay, tổ chức chương trình tập huấn cho người dân phục vụ du lịch.
Các chuyên gia lưu ý, muốn mô hình farmstay có sự độc đáo, khác biệt, cần đặc biệt quan tâm tới khai thác, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, như hướng du khách trải nghiệm các phương thức canh tác truyền thống, học cách nấu các món ăn địa phương, tham gia vào các nghi lễ, lễ hội truyền thống… Trong thiết kế, xây dựng cơ sở farmstay, cần duy trì hoặc thậm chí phục hồi kiến trúc truyền thống của khu vực.
Phát triển các farmstay đúng hướng, đúng quy định sẽ tạo nhiều ưu thế trong phát triển sản phẩm du lịch mang mầu sắc, đặc trưng văn hóa bản địa, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()