Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:49 (GMT +7)
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Chủ nhật, 26/09/2021 | 15:31:44 [GMT +7] A A
Không chỉ sẻ chia, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh thời gian qua đã liên tục, kịp thời có những giải pháp thiết thực để "tiếp sức", hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phục hồi sản xuất.
Là một trong những ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, gần như hoàn toàn dừng hoạt động trong đại dịch, giữa tháng 9 vừa qua, hơn 70 doanh nghiệp du lịch TP Hạ Long rất vui khi được trao đổi, đối thoại với chính quyền địa phương tìm hướng tháo gỡ, phục hồi hoạt động dịch vụ, du lịch. Lãnh đạo TP Hạ Long đã trao đổi thẳng thắn để tìm ra những giải pháp trong việc phối hợp triển khai hoạt động sau ngày 15/9. Với doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, tái khởi động là tin vui.
Không chỉ vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh, trước đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã liên tục có các cuộc gặp mặt chia sẻ, trao đổi và trực tiếp tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, quý, các sở, ngành, địa phương tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là doanh nghiệp ngành than, du lịch, xuất nhập khẩu... Thông qua đó, tỉnh nhanh chóng triển khai hàng loạt giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Như nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác, ông Đào Mạnh Lượng, Chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho biết: Không chỉ chia sẻ, gặp gỡ, tỉnh nhà và các ban, ngành liên quan còn thiết thực tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nguồn lực, nỗ lực mở lại các hoạt động du lịch. Đó là sự đồng hành, tiếp sức thiết thực nhất với các doanh nghiệp.
Không chỉ kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, các cấp, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ nhanh chóng triển khai các chương trình, gói hỗ trợ, giúp đỡ, làm lực đẩy cho doanh nghiệp vượt khó. Đơn cử như vào tháng 6, Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Quảng Ninh đã gặp gỡ, thẳng thắn tháo gỡ những khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch trong việc cơ cấu lại khoản vay; kéo dài thời gian hỗ trợ giãn, hoãn các khoản nợ gốc và lãi đối với các dự án vay đóng tàu du lịch; ban hành chính sách hỗ trợ cho vay vốn lưu động để phục hồi hoạt động...
Không chỉ vậy, các ngành, cơ quan như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, du lịch... cũng có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực về vốn vay, triển khai các gói vay ưu đãi, lãi suất 0%... để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tính đến giữa tháng 8, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân số tiền 611,5 triệu đồng hỗ trợ cho 2 doanh nghiệp vay vốn (lãi suất 0%) để trả lương ngừng việc cho 56 lao động mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất.
Theo thống kê sơ bộ, cho tới ngày 16/9, Sở LĐ,TB&XH đã tiến hành hỗ trợ cho hơn 5.000 đối tượng là người lao động, người sử dụng lao động duy trì việc làm cho người lao động, cho các đơn vị doanh nghiệp, hộ kinh doanh... Đồng thời sẽ tiếp tục chi hỗ trợ cho trên 5.000 người sử dụng lao động với số tiền trên 1,6 tỷ đồng theo Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trước những khó khăn lớn về tiêu thụ, lưu thông hàng hóa do dịch Covid-19, các ban, ngành, đặc biệt ngành Công thương tỉnh đã hành động, “tiếp sức” kịp thời, thiết thực hỗ trợ thị trường đầu ra, tiêu thụ cho nhiều doanh nghiệp, HTX... tồn hàng trăm tấn thủy hải sản, nông sản.
Đồng thời cũng đề nghị một số doanh nghiệp logistic trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận hỗ trợ tiền thuê kho bãi, giảm chi phí bốc xếp đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; hỗ trợ chuyên môn để thông quan cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm Km3+4, cửa khẩu Hoành Mô, đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại, trước mắt giải tỏa số lượng hàng hóa đã lưu kho kể từ khi dịch bệnh bùng phát...
Đồng hành với các giải pháp thiết thực, mạnh mẽ, tỉnh Quảng Ninh còn nhanh chóng triển khai các giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp phục hồi, hoạt động trở lại. Đáng chú ý là tỉnh nhà ưu tiên dành nguồn lực, thúc đẩy mạnh mẽ kế hoạch tiêm chủng vắc xin diện rộng, coi đây là "vũ khí chiến lược" trong phòng chống dịch; đặc biệt là ưu tiên các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất.
Tới giữa tháng 8 đã có gần 24 nghìn lao động (chiếm 83,5%) của 4 khu công nghiệp được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Hiện các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất đều được ưu tiên tiêm vắc xin để sớm hoạt động bình thường.
Như vậy, không chỉ chia sẻ, đối thoại, Quảng Ninh còn có các giải pháp mạnh, thiết thực, qua đó, khẳng định sự quan tâm của tỉnh tới các đơn vị, doanh nghiệp nhằm đồng hành vượt khó, góp sức hoàn thành mục tiêu kép trong tình hình mới.
Tạ Quân
- Tiếp sức doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong tình hình mới
- Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh
- Chính phủ cầu thị lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn
- Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp "vượt" dịch COVID-19
- Chính phủ ban hành Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19
Liên kết website
Ý kiến ()