Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:26 (GMT +7)
Facebook, Zalo đang có độ phổ biến ngang nhau tại Việt Nam
Thứ 4, 13/09/2023 | 15:28:05 [GMT +7] A A
Theo Sách trắng 'Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023' vừa được RMIT Việt Nam và Adtima công bố, Facebook và Zalo có mức độ phổ biến tương đương nhau ở Việt Nam với tư cách nền tảng mạng xã hội, dù Zalo không được phân loại chính thức thuộc nhóm này.
2 yếu tố nổi bật trong lối sống số tại Việt Nam
Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023” là dự án hợp tác giữa Đại học RMIT và Adtima. Theo nhóm nghiên cứu, nhiều phương pháp đã được nhóm sử dụng để tìm hiểu được toàn cảnh kỹ thuật số tại Việt Nam, bao gồm số liệu thống kê từ các báo cáo ngành và các cơ sở dữ liệu nghiên cứu thị trường sẵn có, khảo sát trực tuyến gần 1.000 người dùng Việt Nam có độ tuổi từ 18 trở lên.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn thu thập dữ liệu định tính qua các cuộc phỏng vấn với các chuyên gia trong ngành và người sử dụng Internet ở các nhóm nhân khẩu học khác nhau để có thêm thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long, giảng viên cấp cao khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam, chủ biên ấn phẩm Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023” cho biết, nghiên cứu của We Are Social chỉ ra rằng, đến năm nay, tỉ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam xếp thứ 39 toàn cầu, với cao điểm gần đây nhất đạt 79%, tương đương với hơn 77 triệu người dùng trực tuyến.
Không chỉ tăng mạnh ở số người dùng mà tần suất sử dụng cũng tăng. 97% người dùng lên mạng nhiều lần trong ngày, với tần suất trung bình là 6,4 giờ, xếp thứ 26 toàn thế giới.
“Nghiên cứu mới của chúng tôi nhằm giúp các doanh nghiệp thấu hiểu các nền tảng trò chuyện trực tuyến và mạng xã hội đang thay đổi cuộc chơi như thế nào và cách người dùng tương tác với các nền tảng này ra sao, từ đó có hướng chuyển đổi các hoạt động kinh doanh và hoạt động kết nối với khách hàng một cách hiệu quả”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long cho hay.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các mạng xã hội và nền tảng trò chuyện là 2 yếu tố nổi bật trong lối sống số, lần lượt thu hút 83% và 74% người dùng Internet ở Việt Nam. Cả hai đều trở nên thiết yếu không chỉ với nhu cầu sử dụng cá nhân mà còn cho mục đích công việc và học hành nhờ tính tiện lợi, tốc độ, tính phổ biến, cũng như khả năng lưu trữ và chia sẻ tệp tin hiệu quả.
Facebook và Zalo có mức độ phổ biến tương đương nhau ở Việt Nam với tư cách nền tảng mạng xã hội, dẫu Zalo không được phân loại chính thức thuộc nhóm này. Người dùng thế hệ Y (25 – 34 tuổi) và X (35 – 44 tuổi) dành nhiều thời gian đáng kể hơn trên Zalo, trong khi Facebook được người dùng thế hệ Z (18 – 24 tuổi) ưa chuộng hơn.
Nghiên cứu cũng cho thấy, TikTok vẫn tụt lại phía sau trong cuộc chiến thâm nhập sử dụng mạng xã hội, với 51% người được hỏi cho biết có sử dụng nền tảng; theo sau là Instagram, với tỷ lệ là 26%.
Zalo và Facebook còn cạnh tranh vị trí nền tảng trò chuyện phổ biến nhất trong cộng đồng người dùng Việt, với ngôi quán quân thuộc về Zalo (74%), theo sát sau là Facebook (73%). Hầu như trong số 4 người dùng Việt Nam sẽ có 3 người sử dụng Zalo và Facebook Messenger thường xuyên.
“Tính thông dụng vẫn là yếu tố tính năng được người dùng sử dụng làm căn cứ lựa chọn nền tảng trò chuyện, nhỉnh hơn một chút so với lợi ích về cảm xúc. Căn cứ lựa chọn cũng thay đổi theo độ tuổi – người dùng lớn tuổi hơn có khuynh hướng ưu tiên dùng Zalo để trò chuyện trực tuyến hơn Facebook”, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.
Đâu là ‘thời gian vàng’ cho quảng cáo trực tuyến?
Chia sẻ về những điểm nổi bật của Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thăng Long phân tích, dù không còn ở thời hoàng kim, quảng cáo vẫn lôi kéo được sự chú ý của người dùng qua nội dung chứa thông tin hữu ích về thương hiệu hoặc sản phẩm, lối kể chuyện thu hút và hiệu ứng hình ảnh tốt hay âm nhạc hấp dẫn.
Thời điểm tốt nhất để thương hiệu quảng cáo tới người tiêu dùng là khi họ tìm kiếm nội dung trực tuyến (61%), tìm hiểu kiến thức mới (60%) và tìm kiếm thông tin (55%). Thời gian nghỉ ngơi, khi khách hàng xem các nội dung giải trí, thư giãn, để giết thời gian hoặc cảm thấy chán, cũng là thời điểm thích hợp để tiếp cận họ.
Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi các nội dung quảng bá thương hiệu phải mang tính sáng tạo và độc đáo, và họ muốn trở thành một phần của thương hiệu để thể hiện lối sống của mình. Người tiêu dùng có nhu cầu cao trong việc kết nối với các thương hiệu và nhu cầu này khác nhau giữa các thế hệ.
Thế hệ Y sẵn sàng tiếp nhận nhiều nội dung vì họ muốn biết rõ về thương hiệu trước khi mua hàng. Mặt khác, thế hệ Z tương tác chủ động hơn với quảng cáo. Họ đòi hỏi thương hiệu, thông qua quảng cáo, phải bắt kịp nhịp độ năng động của họ một cách chủ động và thông qua tương tác. Thương hiệu cần lắng nghe nhu cầu của họ, đáp lại yêu cầu về nội dung và cho họ càng nhiều lựa chọn cá thể hóa càng tốt.
Trong khi đó, thế hệ Z hứng thú hơn hẳn thế hệ Y với những nội dung quảng cáo cho phép họ thể hiện bản thân, chẳng hạn như đưa ra ý kiến hoặc thảo luận về chiến dịch mà thương hiệu đang thực hiện, hoặc bình chọn để đưa một cam kết vào thực tế.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mạng xã hội và nền tảng trò chuyện được dùng thường xuyên hơn trong một số khung thời gian nhất định trong ngày. Các khung thời gian này cũng đi đôi với địa điểm nơi họ dùng các kênh trực tuyến này nhiều nhất: Thư giãn ở nhà sau giờ làm hay giết thời gian vào giờ cơm trưa ở nơi làm việc hoặc trường học.
“Quảng cáo dễ được đón nhận hơn khi người dùng kết thúc 1 ngày làm việc và bắt đầu nhịp sinh hoạt buổi tối. Kết hợp sự hiện diện trên mạng xã hội và các nền tảng trò chuyện theo vị trí và khung giờ, cũng như khung thời gian đón nhận quảng cáo, từ 20h đến 22h là thời gian lý tưởng nhất trong ngày để quảng cáo đến người dùng Việt Nam, tiếp theo là các cung giờ: Từ 18 - 20h, 12h – 14h và từ 16h đến 18h”, nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam và Adtima cho hay.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()