Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:35 (GMT +7)
Facebook muốn ghi lại toàn bộ cuộc đời người dùng
Thứ 7, 16/10/2021 | 12:10:53 [GMT +7] A A
Facebook đang tập trung nghiên cứu các công cụ AI có thể nghe, nhìn và ghi nhớ mọi thứ người dùng làm.
Trong thông báo ngày 14/10, Facebook cho biết công ty đang nghiên cứu một hệ thống AI có khả năng phân tích cuộc sống của người dùng qua video góc nhìn thứ nhất trên kính thông minh.
Cụ thể, dự án nghiên cứu mang tên Ego4D sẽ hỗ trợ công việc của người dùng bằng cách ghi lại hình ảnh, âm thanh và hoạt động. Từ đó, hệ thống AI có thể giúp người dùng phát triển một số kỹ năng, như "trí nhớ theo giai đoạn" (gợi ý lại thông tin), "ghi lại âm thanh, hình ảnh" (mở lại video, ảnh đã lưu) hay "tương tác xã hội" (giúp nghe rõ cuộc nói chuyện của người đối diện).
Thực tế, những ý tưởng nói trên hiện nằm ngoài khả năng của các hệ thống AI. Bên cạnh đó, Facebook cũng nói rằng Ego4D hiện chỉ là dự án nghiên cứu của công ty.
“Khi nhắc đến AR và những gì ta có thể làm với nó, nghiên cứu này có thể là điều chúng ta đang hướng tới”, Kristen Grauman, nhà khoa học nghiên cứu về AI của Facebook, chia sẻ với The Verge.
Ego4D bao gồm 2 thành phần chính là một tập dữ liệu video từ góc nhìn thứ nhất, và các điểm mà Facebook cho rằng hệ thống AI có thể giải quyết trong tương lai.
Facebook đã hợp tác với 13 trường đại học trên khắp thế giới để tạo ra bộ dữ liệu khổng lồ cho dự án. Có tới 3.205 giờ video được ghi lại bằng các thiết bị GoPro và kính AR. Tổng cộng 855 người từ 9 quốc gia khác nhau tham gia, quay video hoạt động hàng ngày. Tất cả cảnh quay đã được khử nhân dạng, bao gồm việc làm mờ khuôn mặt của người trong video và xóa mọi thông tin nhận dạng cá nhân.
Các chuyên gia về quyền riêng tư lo ngại việc dự án của Facebook thu thập quá nhiều dữ liệu cá nhân. Những người tham gia dự án có thể trở thành "máy giám sát" với khả năng ghi lại, phân tích những cảnh quay.
Trả lời The Verge, đại diện Facebook hy vọng rằng các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư sẽ được giới thiệu sâu hơn.
"Chúng tôi hy vọng các công ty sử dụng bộ dữ liệu của Ego4D để phát triển ứng dụng thương mại sẽ có biện pháp bảo vệ người dùng. Cụ thể, nhà phát triển có thể tạo ra một giao thức thông báo cho người đối diện về việc ghi lại hình ảnh từ thiết bị", đại diện Facebook chia sẻ.
Facebook cũng hy vọng Ego4D sẽ là tương lai của AR. Dự án này sẽ không chỉ áp dụng trong các thiết bị kính gắn camera, mà còn cả robot trợ lý tại nhà để điều hướng thế giới xung quanh qua máy ảnh góc nhìn thứ nhất.
“Dự án có khả năng hiện thực hóa những việc tưởng chừng như không thể trong lĩnh vực này. Qua đó, các hệ thống AR, robot có khả năng hiểu và phân tích bối cảnh một cách linh hoạt bằng cách phân tích nhiều hình ảnh và video qua góc nhìn thứ nhất", Grauman chia sẻ.
Hiện tại, những biện pháp bảo vệ như vậy vẫn chỉ là giả thuyết.
Facebook đang đối mặt với hàng loạt vấn đề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và sự tồn vong của công ty này. Đêm 4/10 (giờ Việt Nam), toàn bộ dịch vụ của Facebook, bao gồm cả Instagram, WhatsApp và công cụ làm việc nội bộ Workplace đã sập, không thể truy cập trong nhiều giờ.
Chỉ nửa ngày trước sự cố kỹ thuật, người tiết lộ thông tin mật của Facebook tự ra mặt. Đó là Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm của công ty. Cô từng làm việc tại bộ phận chống tin giả của Facebook, nhưng đã nghỉ việc vào tháng 5.
Trong cuộc phỏng vấn ở chương trình "60 Minutes", cô nhận định Facebook liên tục "lựa chọn lợi nhuận thay vì sự an toàn chung", đồng thời chỉ ra rằng Facebook hiểu rõ những tác động tiêu cực của Instagram với giới trẻ, nhưng vẫn muốn tiếp cận tập người dùng nói trên. Họ cũng tạo ra một nhóm người dùng "VIP", cho phép nhóm này chịu ít kiểm duyệt về nội dung hơn.
Những tiết lộ của cô Haugen khiến hình ảnh của Facebook càng xấu đi, nhưng đó chỉ là một phần của vấn đề. Cô đã gửi một yêu cầu chính thức tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), cho rằng Facebook đã lừa dối nhà đầu tư bằng cách phát ngôn không đúng sự thật.
Theo Zing
Liên kết website
Ý kiến ()