Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:26 (GMT +7)
F0 tăng, lại đóng cửa?
Thứ 4, 10/11/2021 | 11:47:14 [GMT +7] A A
Mới đây, huyện Yên Thế (tỉnh Bắc Giang) là huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội trở lại theo tinh thần chỉ thị 16 sau khi ghi nhận chùm 20 ca mắc COVID-19 dương tính.
Tỉnh An Giang vừa nâng cấp độ dịch lên cấp 3 (vùng cam) và từ 9-11 bắt đầu áp dụng nhiều biện pháp mạnh như tạm dừng vận chuyển hành khách công cộng, dịch vụ ăn uống chỉ cho bán mang đi...
Số ca mắc đang tăng ở tất cả các tỉnh thành, nhưng khi tỉ lệ tiêm chủng lên cao, đã đến lúc xem xét lại có phải cứ ca mắc COVID-19 tăng lại đóng cửa, giãn cách xã hội như trước đây?
Tiêm vắc xin vẫn mắc COVID-19, tình trạng nhẹ
Theo thống kê của CDC Hà Nội, trong số 55 ca mắc cộng đồng ghi nhận tại Hà Nội vào ngày 8-11, có 16 người chưa tiêm chủng đủ hoặc đang mang thai và lý do khác như chưa tiêm chủng, số mắc còn lại đều đã tiêm từ 1-2 mũi. Kể từ khi nới giãn cách trở lại vào cuối tháng 9 đến nay, tỉ lệ ca dương tính đã tiêm chủng ghi nhận tại Hà Nội đều cao hơn nhóm chưa tiêm.
Vào thời điểm hiện nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đơn vị điều trị COVID-19 lớn nhất ở miền Bắc, đang có trên 500 bệnh nhân COVID-19 từ Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh - trưởng khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho biết hầu hết ca COVID-19 dương tính vào viện gần đây đều đã tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi.
"Bệnh nhân đã tiêm vắc xin hầu hết đều không trở nặng, ngoại trừ một số trường hợp là người già, người có bệnh nền hoặc mới tiêm mũi 1 chưa đủ thời gian 2 tuần sau tiêm.
Qua khảo sát ban đầu, tỉ lệ lớn các trường hợp trở nặng từ 70 tuổi trở lên, kế đến là nhóm 60 trở lên và nhóm có bệnh nền, còn dưới 60 thì ít hơn rất nhiều, dưới 60 tuổi nếu bệnh chuyển nặng thì chỉ gặp nhiều ở 2 nhóm: người có bệnh nền hoặc được chuyển đến bệnh viện muộn" - bác sĩ Ninh chia sẻ.
Ứng xử khi dịch tăng lại bằng cách nào?
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) là địa phương đầu tiên trong cả nước quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trở lại.
So với nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế đang áp dụng hiện hành, cách ứng phó của Yên Thế là cao hơn, trong khi nếu áp dụng cao hơn 128 và 4800 thì lẽ ra Bắc Giang phải đề nghị Chính phủ.
Không chỉ Bắc Giang, nhiều địa phương đang bổ sung các quy định mới chặt chẽ hơn 128 và 4800 khi số ca mắc tăng lại, như yêu cầu người dân không ra đường sau 9h tối, ngưng cho bán hàng ăn tại chỗ dù cấp độ dịch đủ điều kiện cho phép dịch vụ này.
"Trong thời gian gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh tại cộng đồng trong đó có nguyên nhân do việc di chuyển, đi lại, làm việc của người dân, người lao động từ các tỉnh thành đang có số mắc cao tới các địa phương khác" - cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.
Bà Hương cho biết ngày 8-11 Bộ Y tế đã có công văn 9472 yêu cầu các địa phương chủ động xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, không đưa ra các yêu cầu người dân phải xuất trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố.
Việc tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe cũng đã được hướng dẫn cụ thể đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, người chưa tiêm hoặc tiêm đủ liều vắc xin.
"Các biện pháp phòng chống dịch áp dụng linh hoạt, đồng bộ trong thời gian tỉ lệ bao phủ vắc xin ở một số tỉnh, thành phố chưa cao.
Bộ Y tế hiện đang tiếp tục rà soát các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và các nước để có các điều chỉnh phù hợp liên quan tới thời gian cách ly người nhập cảnh, người tiếp xúc gần (F1) đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 để sớm có các hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới khi tỉ lệ bao phủ vắc xin tăng cao tại tất cả các địa phương, bảo đảm hội nhập quốc tế và phù hợp với thực tế diễn biến dịch, kinh tế - xã hội của Việt Nam" - bà Hương nói.
Đẩy mạnh tiêm chủng
Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc mới đã tăng trở lại tại nhiều tỉnh thành, có những địa phương số mắc mới cao hơn thời điểm cao điểm của dịch COVID-19. Đến 9-11, cả nước đã tiêm trên 93 triệu mũi vắc xin, 12 tỉnh thành đã triển khai tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi.
Trong tình hình số ca mắc tăng trở lại, các chuyên gia khuyến cáo tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, trong đó người cao tuổi và người có bệnh nền ngoài 2 mũi tiêm cơ bản có thể tiến hành tiêm mũi bổ sung sớm, dự trữ sẵn thuốc điều trị đặc hiệu để có thể cấp thuốc sớm cho F0 điều trị tại nhà, từ đó mới đủ điều kiện để chung sống an toàn với dịch.
Nguồn lây: trẻ nhỏ qua lại vui chơi
Chiều 9-11, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh An Giang tổ chức họp trực tuyến với 11 huyện, thị xã, thành phố trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông Trần Quang Hiền - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang - cho biết trong ngày 8-11 An Giang có 560 trường hợp dương tính COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm toàn tỉnh lên 14.625 ca.
Ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh, kiêm chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng chống COVID-19 tỉnh - cho biết số ca mắc 5 ngày gần đây tăng gấp đôi so với 2 tuần trước. Đặc biệt, dịch xảy ra tại các địa phương có mật độ dân cư dày đặc, các chợ và khu sản xuất, rất nguy hiểm. Việc kiểm soát các khu cách ly, các khu phong tỏa còn lơ là.
"Con virus không thể nào bay từ nhà này sang nhà kia được. Sẽ có nguồn lây, đó chính là các cháu nhỏ qua lại vui chơi. Vì vậy phải kiểm soát chặt việc này.
Đề nghị các địa phương tiêm vắc xin mũi 2 cho người đã tiêm vắc xin AstraZeneca mũi 1 đủ 5 tuần trở lên để đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Các địa phương phải xử lý nghiêm tình trạng người dân không tiêm vắc xin, thậm chí không cho ra đường. Phải lập các chốt kiểm soát người ra vào ở những vùng cấp độ 4" - ông Bình nói.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()