Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 05:30 (GMT +7)
F0 ở TP.HCM tăng giảm thế nào trong những ngày giãn cách xã hội?
Thứ 6, 30/07/2021 | 15:20:27 [GMT +7] A A
Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27/4 đến nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng hơn 81.700 bệnh nhân mắc COVID-19.
TP.HCM đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất từ trước tới nay với số ca bệnh ghi nhận mỗi ngày ở mức 4 con số. Thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 với các biện pháp siết chặt hơn nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh.
Trước khi áp dụng Chỉ thị 16
Từ 30/6 đến 8/7 (trước khi áp dụng Chỉ thị 16), số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM mỗi ngày ở mức 3 con số, đồng thời xuất hiện thêm một số ổ dịch mới.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy, trước thời điểm 30/6, tổng số ca bệnh ở thành phố chỉ là 3.908 người. Nhưng từ 27/4 - 8/7, con số này đã lên tới 10.295 người, trở thành địa phương có số người mắc COVID-19 cao nhất nước.
Số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại TP.HCM từ 9/7 - 29/7, theo số liệu từ HCDC. (Biểu đồ: Hà Cường)
Áp dụng Chỉ thị 16 từ 9/7 đến 29/7
Từ ngày 9/7, TP.HCM thay đổi biện pháp phòng, chống dịch, từ áp dụng Chỉ thị 15, nay nâng lên Chỉ thị 16. Cũng từ đây, số người mắc COVID-19 mới ở thành phố tăng vọt, vượt lên mức 4 con số mỗi ngày, thay vì chỉ 3 con số ở giai đoạn trước đó.
Theo số liệu của HCDC, sau 20 ngày áp dụng Chỉ thị 16, tổng số ca bệnh ở TP.HCM ghi nhận tới hơn 72.700 người. Tính cộng dồn từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ 27/4) lên tới hơn 81.700 người.
Trong 12 ngày gần nhất, trung bình mỗi ngày TP.HCM ghi nhận từ 3.000 - 5.000 người mắc mới.
Trong đợt dịch thứ 4, tính từ 27/4, TP.HCM đã trải qua 5 lần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng. Song song đó thành phố còn áp dụng Chỉ thị 10 của UBND TP cho một số khu vực và siết chặt các biện pháp phòng dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng bằng Chỉ thị 12 của Thành uỷ TP, nhưng số ca bệnh mỗi ngày vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, trong 3 ngày gần nhất, thành phố yêu cầu người dân không ra đường sau 18h (26/7 - 29/7), số bệnh nhân COVID-19 ghi nhận mỗi ngày bắt đầu giảm, từ 5.997 hôm 26/7 xuống 4.592 hôm 29/7.
Vì sao số ca F0 liên tục tăng?
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, số lượng F0 tăng nhanh những ngày qua do thành phố đang tập trung lấy mẫu xét nghiệm vùng lõi của các ổ dịch. Với chiến dịch tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đến từng nhà để xét nghiệm cũng làm cho số F0 liên tục tăng.
“TP.HCM đang tập trung cho việc xét nghiệm ở khu vực trọng tâm, trọng điểm. Vùng lõi nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu trước, sau đó mở rộng ra các khu vực bên ngoài với phương thức "đi đến từng hẻm, gõ cửa từng nhà", cả ngày lẫn đêm vì mục tiêu tầm soát cho 5 triệu dân", ông Nam nói.
Số ca mắc mới theo ngày của TP.HCM được công bố tăng vọt từ mốc hơn 1.000 người khi bắt đầu ngày đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 (9/7) lên dần từ hơn 2.000 ca/ngày đến khoảng 4.000 - 5.000 ca/ngày (22 - 25/7) và đỉnh điểm có ngày ở mức 6.000 ca (26 và 27/9).
Số ca COVID-19 ghi nhận mỗi ngày ở 4 con số, TP.HCM đã có nhiều biện pháp siết chặt hơn theo Chỉ thị 16 như từ 26/7, người dân không ra đường sau 18h và nhìn chung số ca mới mỗi ngày bắt đầu giảm xuống. BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC nhận định, TP.HCM vẫn chưa đạt đỉnh dịch và có thể dịch diễn biến phức tạp trong vài ngày tới, số ca mắc sẽ vẫn còn tăng cao.
Tuy nhiên, theo BS Tâm, dù số ca mắc mới cao nhưng thành phố không phát sinh ổ dịch mới. Hầu hết các ca COVID-19 được phát hiện trong khu phong tỏa, cách ly đã được giám sát, khoanh vùng.
BS Tâm cũng cho biết, hơn 95% bệnh nhân COVID-19 được phát hiện qua lần xét nghiệm đầu tiên trong khu cách ly, phong tỏa, cho thấy số ca bệnh tăng là do diễn tiến của bệnh từ F1 thành F0. Nghĩa là các ca bệnh đã được cách ly từ trước chứ không phải người mắc ngoài cộng đồng.
“Điều này cũng cho thấy không có cơ sở để khẳng định do lây nhiễm trong khu cách ly, phong tỏa”, BS Tâm nói.
Khi nào TP.HCM kiểm soát được dịch?
TP.HCM đang tách dần F0 ra khỏi cộng đồng bằng phương pháp xét nghiệm tại nhà. Số liệu thống kê cho thấy, số ca mắc mới mỗi ngày có xu hướng giảm. Ngày 27/7 là 6.318 ca, nhưng hai ngày sau đó (28 và 29/7), số ca mắc đã giảm xuống mức hơn 4.000.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam nhận định, nếu lấy hết được mẫu xét nghiệm vùng lõi thì thời gian tới sẽ lấy mẫu ra vòng ngoài là vòng nguy cơ. Về nguyên tắc số ca mắc mới chắc chắn sẽ giảm xuống và có thể kiểm soát dịch.
Theo BS Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đang đi đúng hướng trong áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, thành phố đã thay đổi chiến lược xét nghiệm hợp lý hơn (xét nghiệm từng nhà, gõ từng đối tượng), vét được nhanh hơn ca F0 để tách ra khỏi cộng đồng.
“Nếu mình làm tốt xét nghiệm, cộng với việc cải thiện tầng điều trị bệnh nhân COVID-19 để giảm quá tải cho nhân viên y tế và vaccine về kịp thì hy vọng hết tháng 8 thành phố sẽ ổn”, BS Khanh nói.
Tuy nhiên, theo BS Khanh, có hết dịch hay không còn phụ thuộc vào người dân và sự quyết liệt của chính quyền trong thực hiện Chỉ thị 16 để dịch không lây lan thêm. Và chính thời gian dịch không lây lan thêm là thời điểm vàng để tập trung vét, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
BS Khanh cho rằng, thành phố đang nỗ lực hết sức để khống chế dịch bệnh với nhiều biện pháp được triển khai, nhưng chủng Delta lây lan quá nhanh khiến thành phố chưa thể xoay sở kịp. Ông nhấn mạnh, để kiểm soát được dịch bệnh thì bao phủ vaccine là cách tốt nhất.
Theo VTC
- TP Hồ Chí Minh: Chạy đua với 'tử thần' để cứu F0 nguy kịch
- Thêm 1.955 bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh được xuất viện
- Thêm 2.115 bệnh nhân COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh được xuất viện
- Sáng 25/7: Có 3.979 ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và 20 địa phương khác
- TP Hồ Chí Minh tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi
- TP Hồ Chí Minh: Đã điều trị khỏi cho 3.658 ca mắc COVID-19
- Từ ngày 7/6 đến sáng 15/7, thêm 69 ca tử vong do COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh
Liên kết website
Ý kiến ()