Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:46 (GMT +7)
F0 ở nhà nên ăn gì, kiêng bỏ món nào?
Thứ 3, 07/09/2021 | 10:48:52 [GMT +7] A A
ThS Lê Thị Ngọc Vân - trưởng khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 - cho biết bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) cần ăn uống đầy đủ, chứ không phải tập trung vào món nào và bỏ món nào.
"Trước dịch, chúng ta có nhiều lựa chọn về thực phẩm cho bữa ăn, thích gì ăn nấy, có khi thừa năng lượng, nhưng lại thiếu dinh dưỡng. Hiện nay, khi nhiễm bệnh, quan trọng nhất vẫn là ăn đầy đủ nhóm chất và chú ý thêm các nhóm giúp tăng miễn dịch, không cần một chế độ cao cấp riêng biệt nào", bác sĩ Vân chia sẻ.
Những nguyên tắc chung về chế độ dinh dưỡng cho người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ và không có triệu chứng, theo bác sĩ Vân, bao gồm việc bệnh nhân cần ăn đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản.
* Chất đạm: là nguyên liệu tạo các kháng thể giúp cơ thể chống đỡ bệnh tật, vận chuyển các dưỡng chất. Chất đạm có trong các thực phẩm như thịt, cá, đậu, đỗ, sữa và các chế phẩm, trứng.
* Chất bột đường: cung cấp năng lượng cho tất cả các hoạt động của cơ thể, trong một số tế bào và mô như hồng cầu và não bộ, là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất. Có thể tìm thấy trong các loại đậu và các loại rau củ có nhiều tinh bột như khoai tây, bắp, bánh mì...
* Chất béo: cung cấp năng lượng, giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K. Các loại dầu, mỡ, bơ, trong thành phần của thịt, sữa, trứng, các loại hạt có dầu.
* Vitamin và khoáng chất: nhóm chất này không sinh ra năng lượng, tuy nhiên lại có vai trò rất quan trọng. Một số thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao thể trạng, đặc biệt có thể dễ tìm mua trong mùa dịch.
* Vitamin C: hạn chế sự tiến triển của viêm phổi, hỗ trợ chức năng hô hấp. Vitamin C có nhiều trong rau quả, trái cây như: cam, chanh, ổi, đu đủ, bưởi...
* Vitamin D: hỗ trợ chức năng của hệ tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn cung cấp trực tiếp từ ánh nắng 15-30 phút mỗi ngày. Nếu nhà ở không có ánh nắng chiếu vào, người bệnh có thể bổ sung vitamin D qua các thực phẩm như cá, lươn, sữa, lòng đỏ trứng, các loại sữa, ngũ cốc...
* Kẽm: giúp điều hòa miễn dịch, điều hòa các phản ứng viêm. Các loại thực phẩm giàu kẽm như: thịt gia cầm, thịt bò, lòng đỏ trứng, các loại hạt đậu, vừng...
Bên cạnh đó khi chế biến các món ăn cũng nên ưu tiên các gia vị kháng khuẩn như hành, tỏi, sả... Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung lợi khuẩn như phômai, sữa chua... trong các bữa ăn phụ để giúp tiêu hóa tốt và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
Cần giảm lượng đường trong thực phẩm, không nên uống nước ngọt, ăn vặt vì sẽ dẫn đến việc thừa năng lượng, thừa cân, nhưng dinh dưỡng lại không đủ.
Cần tránh sử dụng, chế biến các loại thực phẩm dự trữ đã quá hạn hoặc có dấu hiệu hư hỏng, nấm mốc, dễ gây ngộ độc.
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()