Theo thống kê phân loại số người mắc Covid-19, của Bộ Y tế, khoảng 80% F0 không có triệu chứng, 20% còn lại có triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Dù là người khỏe mạnh bình thường, F0 không hay có triệu chứng, kèm bệnh lý nền... đều cần thực hiện chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, phù hợp từng trường hợp, từng mức độ triệu chứng. Dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, mau chóng phục hồi, đề phòng cơ thể suy kiệt, thậm chí có thể tử vong.
F0 không triệu chứng, chế độ ăn như người khỏe mạnh bình thường. Ăn đủ nhu cầu, đa dạng và phối hợp 15-20 loại thực phẩm, thay đổi thường xuyên thực phẩm trong ngày. Khẩu phần ăn hàng ngày cần phối hợp ở tỷ lệ cân đối giữa nguồn chất đạm, chất béo động vật và thực vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, hải sản, đậu, đỗ...).
Người trưởng thành nên bổ sung lượng protein theo tỷ lệ 1/3 đạm động vật và 2/3 đạm thực vật. Tuổi càng cao thì ăn lượng protein từ động vật vừa phải. Với trẻ nhỏ, đạm động vật cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển, vì vậy lượng protein nên theo tỷ lệ là 2/3 đạm động vật và 1/3 đạm thực vật trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Tăng rau xanh (nhu cầu 300-400 g/người/ngày) và hoa quả (200-300 g) trong bữa ăn hàng ngày, vì rau quả cung cấp các vitamin và khoáng chất chống oxy hóa. Các vitamin A, C , D, E và chất khoáng như sắt, kẽm... tác dụng hỗ trợ chống viêm, chống nhiễm trùng, nâng cao sức đề kháng và miễn dịch.
Khi chế biến bữa ăn nên dùng thêm các loại gia vị như hành, tỏi, sả, gừng... do tính chất kháng sinh thực vật. Vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi chế biến; ăn chín, uống sôi.
Bổ sung nước thường xuyên: Người trưởng thành bổ sung 1,6-2,4 lít nước/người/ngày (tương đương 8-12 ly thủy tinh). F0 ho, sốt, viêm phổi... dẫn đến bị mất nước và một số chất điện giải như natri, kali... Vì thế, tăng cường bổ sung nước để bù lượng nước đã mất, như oresol, nước dừa, sinh tố hoa quả chanh, nước cam, nước bưởi ép, nước xoài, rau má...
Không nên uống rượu, bia vì khó cho việc theo dõi diễn biến của bệnh. Hạn chế nước ngọt, nước có ga.
Ý kiến ()