Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:38 (GMT +7)
F0 khỏi bệnh rụng tóc đến hói đầu, bác sĩ chỉ cách khắc phục
Thứ 2, 28/03/2022 | 11:33:24 [GMT +7] A A
Khi mắc Covid-19, người bệnh có thể bị rụng tóc do sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng miễn dịch; stress; dinh dưỡng không đảm bảo; vệ sinh da đầu kém...
1. Rụng tóc và nguyên nhân liên quan Covid-19
Rụng tóc tạm thời có thể xuất hiện sau một đợt ốm hoặc sốt. Trong khi đó, sốt là một triệu chứng khá phổ biến ở bệnh nhân mắc Covid-19. Trong vòng vài tháng sau khi bị sốt cao hoặc khỏi bệnh, nhiều người thấy rụng rất nhiều tóc. Hiện tượng này có tên khoa học là Telogen effuvium. Hầu hết mọi người đều thấy tóc rụng rõ rệt từ 2 đến 3 tháng sau khi bị sốt hoặc ốm, có thể kéo dài từ 6 đến 9 tháng sau đó, thường sẽ ngừng rụng và bình thường trở lại. Nếu người bệnh thấy nổi ban, ngứa da hoặc bỏng rát và gây ra rụng tóc nên đến gặp bác sĩ da liễu.
Khi mắc Covid-19, có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc như:
- Sốt cao, mệt mỏi, liên quan đến phản ứng miễn dịch: Suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, tăng viêm nhiễm, ngứa da đầu gây gãi nhiều vì vậy F0 không nên kiêng tắm gội.
- Stress: Do cách ly lâu gây tâm lý lo lắng, áp lực, không có ai chia sẻ, động viên, cơ thể sinh ra các hóc môn chống stress gây hại cho hệ lông, tóc, móng (co thắt mạch, khít lỗ chân lông làm giảm nuôi dưỡng tóc).
- Dinh dưỡng kém: F0 mệt mỏi gây chán ăn, mất vị giác khứu giác, rối loạn tiêu hóa gây chán ăn, điều này làm giảm chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tóc.
- Vệ sinh da đầu kém: Do quan niệm sai về vấn đề kiêng kỵ tắm, gội gây ngứa và viêm nhiễm, nấm da đầu, gây đứt gãy chân tóc.
- Có thể một số thuốc điều trị Covid-19 gây rụng tóc như thuốc chống đông enoxaparin (lưu ý không tự ý mua thuốc chống đông khi chưa có hướng dẫn bác sĩ).
- Nhiễm Covid-19 nặng gây tổn thương đa cơ quan suy gan, thận... hoặc bệnh lý đi kèm.
2. Hướng xử trí
- Thay đổi lối sống cho phù hợp:
+ Tập luyện thể dục nhẹ nhàng: Việc này giúp máu lưu thông, tăng giãn lỗ chân lông và toát mồ hôi giúp tăng nuôi dưỡng hệ lông, tóc, móng.
+ Tắm và gội đầu một cách khoa học: Khi tắm cần dùng nước ấm 30 - 35 độ C (không quá lạnh và quá nóng), không được tắm khi đang sốt hoặc cơ thể quá yếu và mệt. Với trẻ em nên dùng nước ấm để lau người khi đang sốt, nới lỏng quần áo. Tắm và gội đầu cách ngày (giúp tinh thần thoải mái lạc quan). Tắm và gội nhanh trong khoảng 5 -10 phút (không tắm gội quá lâu gây nhiễm lạnh). Bạn nên tắm nơi kín gió, nếu có đèn sưởi là điều tốt (không sưởi bằng lò than tổ ong; đèn điện đảm bảo độ cao không quá xa hoặc quá gần gây nguy hiểm). Sau tắm, bạn nên lau khô người và mặc quần áo thoáng, sấy khô tóc bằng tốc độ gió vừa và sấy nóng ở khoảng cách đủ ấm.
+ Chế độ ăn hợp lý
Bổ sung Protein: là cơ sở hệ lông, tóc, móng
Bổ sung các vitamin H (trong đậu phộng, hạnh nhân, hạt óc chó, ngũ cốc nguyên hạt, súp lơ, bông cải trắng...); vitamin B (trong trứng, sữa, thịt bò, cây họ đậu...) và omega-3 (cá thu, cá hồi, cá trích, cá ngừ...). Trong đó, miotin là một loại vitamin B thường được khuyên dùng liên quan đến các vấn đề về tóc. Sự thiếu hụt biotin có thể khiến mái tóc mỏng hơn, một số người cho rằng bổ sung biotin có thể làm dày tóc và kích thích sự phát triển. Biotin có thể từ các chế phẩm thuốc hoặc những sản phẩm chăm sóc tóc. Tuy nhiên cách đơn giản nhất để cung cấp vitamin B là từ các loại thực phẩm giàu vitamin B như nấm, lúa mì, lòng đỏ trứng, các cây họ đậu.
+ Dùng các loại dầu gội đầu: Tránh các loại dầu gội có độ PH không phù hợp, ít có tính chất tẩy rửa.
- Giai đoạn hồi phục, bạn nên hạn chế các thủ thuật như nhuộm tóc, uốn, sấy, hấp (nhiệt quá nóng), không buộc tóc quá chặt, bắt búi.
- Giảm căng thẳng, lo âu không cần thiết (giảm các hóc môn gây stress là yếu tố quan trọng giúp giảm rụng tóc và bạc tóc).
Nếu rụng tóc kéo dài hơn 6 tháng hoặc nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác như rụng tóc từng mảng, ngứa hoặc kích ứng khác, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()