Euro đã mất giá mạnh kể từ đầu tháng 2 - thời điểm mỗi euro còn tương đương 1,13 USD. Đà giảm tăng tốc vài tuần gần đây do lo ngại Nga – nguồn cung cấp năng lượng chính cho châu Âu – sẽ cắt hoàn toàn khí đốt đến khu vực này để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đến nay, 12 quốc gia trong EU đã bị Nga cắt một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung khí đốt.
Euro yếu đi đồng nghĩa người dân và doanh nghiệp châu Âu sẽ phải trả nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu. Nhưng ngược lại, hàng xuất khẩu từ châu Âu sẽ rẻ hơn trên thị trường quốc tế.
Giới quan sát đang theo dõi liệu euro có tiếp tục xuống so với USD hay không. Lần cuối cùng euro có giá thấp hơn 1 USD là tháng 11/2002. Khi đó, mỗi euro đổi được 0,99 USD.
Nhưng kể từ đó, euro tăng ổn định so với USD, chạm 1,6 USD một euro vào hè năm 2008, khi khủng hoảng tài chính càn quét nước Mỹ.
Tuy nhiên, việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine đã đảo ngược tình hình. Kinh tế EU đang chịu tác động nặng nề. Giá năng lượng tăng kéo lạm phát lên kỷ lục, có nguy cơ đẩy EU vào suy thoái.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ nâng lãi trong tháng này để ghìm lạm phát. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ trích ECB hành động quá chậm so với Mỹ, Anh hay Canada.
"Việc ngang giá chỉ là con số thôi", Robin Brooks – kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết, "Nhưng các thị trường được tạo ra bởi con người, và họ quan tâm đến các mốc. Mốc ngang giá này có ý nghĩa lớn về tâm lý, khi 20 năm rồi mới xảy ra".
Tuần này, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ công bố bản cập nhật dự báo kinh tế. Giới quan sát cho rằng EC sẽ hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này.
Ý kiến ()