Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:27 (GMT +7)
EU và các lựa chọn thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga
Thứ 6, 11/03/2022 | 16:49:51 [GMT +7] A A
Xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy EU tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế mới. Nhưng liệu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và một số nước khác có phải là "viên đạn bạc" đối với EU nhằm thay thế nguồn cung khí đốt Nga?
Theo bình luận của Tiến sĩ Sergey Sukhankin tại Quỹ Jamestown (Mỹ) mới đây, phát biểu tại cuộc họp bất thường ở Hạ viện hôm 27/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố rằng nước này đang có kế hoạch xây dựng hai trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Brunsbüttel và Wilhelmshaven. Điều này sẽ giúp giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga trong khi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết tỷ lệ tiêu thụ khí đốt Nga của Đức hiện đang là 55%.
Cùng với những cảnh báo liên tục của Mỹ đối với EU về những rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, quyết định mới nhất của Đức rõ ràng được thúc đẩy bởi hành động quân sự của Nga ở Ukraine.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Gertrud von der Leyen gọi sự phụ thuộc lớn của EU vào khí đốt và dầu khí Nga là một mối đe dọa nghiêm trọng. Bà Leyen cũng lập luận rằng để khắc phục tình trạng nguy hiểm này, châu Âu phải tăng cường nhập khẩu LNG từ các nhà cung cấp khác, “đáng tin cậy hơn”.
Để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên, Tiến sĩ Sergey Sukhankin cho rằng EU có thể chuyển sang một số lựa chọn khác. Chúng bao gồm các dự án đường ống, chẳng hạn như Hành lang khí phía Nam - chủ yếu gồm Đường ống Nam Caucasus (SCP), Đường ống xuyên Anatolian (TANAP) và Đường ống xuyên Adriatic (TAP) - hoặc Đường ống khí đốt Catalonia (nối Tây Ban Nha-Pháp).
Đây đều là những đường ống không vận chuyển các nguồn khí đốt Nga đến châu Âu. Tuy nhiên, nguồn cung cấp LNG từ các khu vực xa hơn cũng có thể trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa khí đốt của châu Âu. Trên thực tế, khi nói đến nhập khẩu LNG, EU có thể xem xét các hướng chính:
Đầu tiên là Mỹ - một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng - nước xuất khẩu LNG sang EU chỉ tính riêng trong năm 2021 đã đạt 22 tỷ m3. Theo các nguồn tin của Nga, Mỹ hiện đang tích cực làm việc với các đối tác châu Âu để tăng khối lượng xuất khẩu hơn nữa.
Điều đó cho thấy, vì một số lý do, EU vẫn là mục tiêu thứ yếu đối với các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ. Xét về mặt thương mại, châu Á hiện là một ưu tiên chính của Washington. Để tăng cường nguồn cung LNG ở Bắc Mỹ hơn nữa, EU có thể bắt đầu đàm phán với Canada, quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên khổng lồ.
Nhưng khả năng này sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư bổ sung liên quan đến cơ sở hạ tầng cũng như các thủ tục lập pháp mới, và ngay cả khi nguồn cung LNG từ Mỹ (và có khả năng là Canada) tăng hơn nữa vẫn sẽ không đủ để đáp ứng tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên của EU, với mức tiêu thụ hàng năm ở mức 350-400 tỷ m3.
Một nhà cung cấp lớn thứ hai ngoài Nga và có tham vọng toàn cầu ngày càng tăng là Qatar. Doha đã lên tiếng về kế hoạch mới nhất là tăng sản lượng LNG của Qatar vào ngày 22/2, trong hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt (GECF). Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này hiện không có đủ năng lực sản xuất để tăng đáng kể xuất khẩu của mình sang EU.
Một lý do khác bắt nguồn từ vấn đề chính trị. Qatar được cho là sẵn sàng tăng xuất khẩu LNG sang EU chỉ khi Brussels đáp ứng một số điều kiện nhất định. Đầu tiên, EU phải lựa chọn các hợp đồng dài hạn. Thứ hai, Brussels cần phải hủy bỏ cuộc điều tra chống độc quyền được khởi động trước đó đối với tập đoàn xăng dầu nhà nước QatarEnergy (thực tế đã bị đình chỉ vào giữa tháng 2/2022).
Nhà cung cấp LNG toàn cầu quy mô lớn thứ ba - Australia - đã thông báo sẵn sàng xuất khẩu sang EU, nếu nảy sinh các vấn đề với nguồn cung của Nga. Năm 2021, Australia đã trở thành nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới.
Đối với Canberra, việc tăng cường quan hệ năng lượng với EU cũng có thể là một cơ hội tốt để đa dạng hóa xuất khẩu của nước này khỏi Trung Quốc, nơi mà các mối quan hệ chính trị và kinh tế đã xấu đi đáng kể, đặc biệt là trước những thông tin rằng Bắc Kinh có thể tìm cách tận dụng sự phụ thuộc xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc để nâng cao vị thế của mình.
Ngoài các nguồn nêu trên, EU cũng có thể hướng sang châu Phi. Lựa chọn đầu tiên có thể là Algeria, nước năm 2021 đã cung cấp khoảng 34 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho EU và có thể tăng xuất khẩu thêm 7 tỷ m3. Tuy nhiên, việc tăng sản lượng hơn nữa sẽ đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc vào cơ sở hạ tầng khí đốt của Algeria cũng như khả năng sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, nước đã ký hợp đồng về việc xây dựng một trạm LNG mới ở nước này trong tháng 2/2022.
Vấn đề khác cần giải quyết là xung đột giữa Algeria với Maroc. Kể từ tháng 11/2021, Algeria đóng cửa đường ống xuất khẩu khí đốt sang Tây Ban Nha, Maghreb – Europe (MGE), đi qua lãnh thổ Maroc.
Ngoài Algeria, châu Âu cũng có thể mở rộng hợp tác với Angola, Tanzania, Nigeria và Mozambique. Tuy nhiên, khả năng tận dụng những cơ hội này bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng (sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư lớn), bên cạnh những rủi ro chính trị và an ninh nghiêm trọng (khủng bố và nội chiến) mà các quốc gia này đang phải đối mặt.
Nguồn cung thứ năm để EU xem xét có thể là từ Đông Địa Trung Hải. Các lựa chọn tốt nhất cho EU ở khu vực này gồm Israel, với các mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi được báo cáo là 900 tỷ m3, cũng như Liban và Síp (Cyprus). Nhưng những vấn đề về tranh chấp chủ quyền tại Địa Trung Hải, trong đó có liên quan đến tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ khiến điều này trở thành một thách thức nghiêm trọng với EU.
Tóm lại, trong khi việc hạn chế sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga sẽ không dễ dàng, liên minh này vẫn có nhiều lựa chọn mà họ có thể theo đuổi, nếu họ có quyết tâm chính trị và tài chính để biến chúng thành hiện thực. Một trong những chuyên gia năng lượng hàng đầu của Nga, Mikhail Krutikhin, gần đây đã thừa nhận rằng không nên đánh giá thấp khả năng của EU trong việc loại bỏ khí đốt của Nga.
Cụ thể, ông Krutikhin lưu ý rằng các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đều có thể “dễ dàng tồn tại mà không có khí đốt tự nhiên của Nga ngay cả trong thời kỳ mùa Đông lạnh giá nhất”.
Ở Trung và Đông Âu, hầu hết các nước vẫn chưa thể giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng các xu hướng dài hạn dường như đang chống lại tập đoàn năng lượng Nga Gazprom. Mặc dù một số quốc gia trong khu vực, như Hungary và Serbia vẫn khẳng định về sự phụ thuộc này, Ba Lan đã tuyên bố sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Moskva và đang hợp tác với các đồng minh láng giềng để củng cố an ninh năng lượng của họ.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()