Trong báo cáo đánh giá mối đe dọa từ biến chủng Omicron hôm 26/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết dựa trên khả năng các vaccine Covid-19 hiện nay có thể không chống lại được chủng mới, cùng thực tế là nó có nguy cơ dễ lây truyền hơn, cơ quan "đánh giá khả năng xâm nhập và lây lan trong cộng đồng của chủng mới tại Liên minh châu Âu (EU)/Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) ở mức cao".
"Trong trường hợp biến chủng Delta lại trỗi dậy ở EU/EEA, tác động từ sự xâm nhập và khả năng lây lan rộng hơn của chủng Omicron có thể rất cao", ECDC cho biết thêm. EEA bao gồm các nước thành viên EU cùng Iceland, Liechtenstein và Na Uy.
Tuy nhiên, ECDC lưu ý rằng vẫn có "sự thiếu chắc chắn đáng kể liên quan đến mức độ lây nhiễm, hiệu quả của vaccine, nguy cơ tái nhiễm và những đặc tính khác của biến chủng Omicron".
Ngoài Nam Phi và Botswana, nơi biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu vào ngày 11/11, biến chủng mới cũng được tìm thấy tại Israel, Hong Kong và Bỉ, một thành viên của EU. ECDC kêu gọi các nước tiến hành giải trình tự gene và truy vết các ca nhiễm, đồng thời kêu gọi người dân không đến những khu vực bị ảnh hưởng.
Slovenia, nước chủ tịch EU hiện nay, cũng thông báo trên Twitter rằng một ủy ban chuyên gia y tế đã nhất trí cần áp đặt hạn chế tạm thời đối với toàn bộ hoạt động nhập cảnh vào EU từ khu vực phía nam châu Phi. 7 quốc gia chịu ảnh hưởng bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 26/11 đặt tên cho biến chủng B.1.1.529 được phát hiện lần đầu tại châu Phi là Omicron, đồng thời phân loại đây là biến chủng đáng lo ngại, mức nghiêm trọng nhất. Danh sách biến chủng đáng lo ngại của WHO còn gồm Delta, Alpha, Beta và Gamma.
Biến chủng Omicron có 32 đột biến trong protein gai, phần mà hầu hết vaccine sử dụng để tạo khả năng miễn dịch chống nCoV. Các đột biến protein gai có thể ảnh hưởng tới khả năng nhiễm và tốc độ lây lan của virus, cũng như khiến tế bào miễn dịch khó tấn công mầm bệnh hơn.
Ý kiến ()