Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:33 (GMT +7)
Em bé bán báo phim 'Biệt động Sài Gòn' 36 năm trước giờ ra sao?
Thứ 5, 30/12/2021 | 08:25:33 [GMT +7] A A
18 tháng tuổi đã đóng phim, Vân Dung - cô bé bán báo trong "Biệt động Sài Gòn"- có sự rẽ ngang trong sự nghiệp khiến khán giả ngỡ ngàng.
Vào vai cô bé bán báo trong phim Biệt động Sài Gòn, diễn xuất chân thực của Vân Dung đã hoàn toàn thuyết phục khán giả. Mấy ai biết, ban đầu Vân Dung không nhận lời đóng vai này dù bố là đạo diễn Long Vân cố gắng thuyết phục.
Hồi đó Vân Dung 15 tuổi, vốn toàn đóng vai chính nên khi bố ngỏ lời mời đóng vai cô bé bán báo trong phim, cô từ chối: "Con toàn đóng vai chính, giờ lại đóng vai phụ là sao?". Đạo diễn Long Vân phải dỗ mãi và phân tích: "Con đừng coi thường vai đó, bố tin sẽ rất ấn tượng mặc dù chỉ là vai phụ".
Quả đúng như vậy, cô bé bán báo tuy là vai diễn nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn với bộ phim và gây xúc động mạnh cho người xem. Lý giải điều này, Vân Dung tâm sự: "Vai diễn này không nhiều đất diễn, chỉ có vài cảnh thôi. Thậm chí tên của nhân vật cũng không có, nhưng có lẽ do mọi người ấn tượng cảnh em bé bị tra tấn và dốc đầu vào thùng rắn độc nên vai diễn của tôi được nhớ đến nhiều chăng?".
Trong phim, đạo diễn Long Vân đã để con gái bị "tra tấn" rất dã man. Một trong những cảnh về em bé bán báo được nhiều khán giả nhớ đến nhất là cảnh em bị dốc đầu vào thùng đầy rắn độc. Chia sẻ trên Công an nhân dân online, đạo diễn Long Vân tiết lộ, khi thực hiện cảnh này, Vân Dung yêu cầu bố không để rắn thè lưỡi. Tuy nhiên, ông lại cần cảnh quay như thật. Đạo diễn phim Biệt động Sài Gòn thuê hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, thuê cả nhân viên nhà hàng đóng người tra tấn. Những con rắn này bị nhổ hết răng, không còn nọc, bị cột đuôi lại, nhưng đạo diễn Long Vân không cho con gái biết trước.
Ngoài ra, ông còn "tra tấn" con gái Vân Dung ở cảnh em bé bán báo bị cưa chân. Ông cho làm chiếc chân giả bằng thạch cao, bên trong là thịt chân giò. Nhờ "làm đến cùng" từ những phân cảnh nhỏ nhất nên vai diễn cô bé bán báo của Vân Dung để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng khán giả.
Là con nhà nòi, có bố là đạo diễn nổi tiếng nên từ nhỏ Vân Dung đã bén duyên với nghệ thuật. 18 tháng tuổi, Vân Dung đã theo bố đến đoàn phim, tham gia vai diễn đầu tiên trong Người đôi bờ (đạo diễn Huy Thành). Sau đó là một loạt vai diễn ấn tượng khác như cô bé câm trong Những đứa con (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), vai Sa trong Chom và Sa (đạo diễn Phạm Kỳ Nam), vai Bé trong Mẹ vắng nhà (đạo diễn Nguyễn Khánh Dư), vai Mai trong Cho cả ngày mai.
Vân Dung bảo, bố kể rằng từ khi chị còn nhỏ, hễ cứ bật đèn sáng và bấm máy là chị diễn. Đóng phim đối với Vân Dung ngày đó như bản năng vậy, bảo đi đóng phim là đi luôn, bảo diễn gì là diễn nấy.
Đặc biệt, với vai Bé trong Mẹ vắng nhà, Vân Dung đóng rất ngọt nhân vật chị cả tháo vát vừa chăm các em vừa làm cô giáo dạy lũ em học. Trong khi mẹ (chị Út Tịch) đi chiến đấu, Bé ở nhà rất tự giác lo mọi việc, thể hiện "bản lĩnh" của người chị. Đứa con của người mẹ miền Nam anh hùng ngay từ nhỏ đã toát lên những đức tính đáng quý. Xem phim, khán giả vừa thấy nét chững chạc của một cô bé sớm phải thu vén gia đình vì bố mẹ đều phải đi công tác, chiến đấu, lại vừa thấy nét đáng yêu đúng lứa tuổi.
Khó có thể quên được cảnh Bé hăng hái dạy học các em những chữ I, T bên cạnh chiếc mẹt rách, rồi cảnh Bé trèo lên cây, ngóng mẹ về. Cảnh cuối phim là giấc mơ của Bé khiến người xem không khỏi rơi nước mắt. Trong giấc mơ ấy có cảnh bọn trẻ tung tăng đến trường và những con chữ hóa thành đàn chim bay lượn trong khung cảnh hòa bình.
Ước mơ rất trong sáng, trẻ thơ qua lăng kính tâm hồn của Bé đọng lại những cảm xúc còn nóng hổi đến hôm nay. Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư so với nguyên gốc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thi đã đặc tả nhiều hơn về những đứa con của chị Út Tịch. Vì vậy, đất diễn của "chị cả Bé" cũng nhiều hơn. Phim đã giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V (1980) và giải thưởng Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary (1980) một phần nhờ chính tài năng diễn xuất tự nhiên của Vân Dung.
Với nhiều "vốn liếng" trong nghề, Vân Dung khiến khán giả thời đó tin rằng chị sẽ theo đuổi nghiệp diễn. Thời gian đầu đúng là như vậy. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Vân Dung đăng ký thi và trúng tuyển vào Nhà hát Kịch Việt Nam. Học được một năm, chị theo bố chuyển vào TP.HCM và thi vào Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh, cùng khóa với Lý Hùng, Diễm Hương. Ra trường, chị đóng vai chính trong phim Tình đời của đạo diễn Trần Phương, rồi cuộc sống đưa đẩy khiến chị "rẽ" sang làm tiếp viên hàng không và xem đây là vai diễn kỷ niệm trước khi chuyển nghề.
Cũng từ đây, thông tin về diễn viên Vân Dung thuở nào trở nên hiếm hoi. Một số bạn bè thân thiết của Vân Dung tiết lộ rằng chị làm bên ngành Hàng không được 8 năm cho đến khi lập gia đình và sinh con. Sau đó, chị quyết định nghỉ hẳn nghề tiếp viên, chuyển ra Hà Nội sinh sống, dành thời gian cho gia đình. Tuy vẫn có nhiều lời mời đóng him nhưng kể từ khi chuyển nghề, chị chưa một lần quay lại phim trường. Không chỉ là bà nội trợ, chị còn có một cửa hàng kinh doanh đồ thể thao trên đường Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Theo VTC News
Liên kết website
Ý kiến ()