Tỷ phú công nghệ Elon Musk mới ký một bức thư kêu gọi công ty, tổ chức toàn cầu ngừng cuộc đua siêu AI trong sáu tháng để cùng nhau xây dựng một bộ quy tắc chung về AI. Tuy nhiên, theo Business Insider, tỷ phú gốc Nam Phi đã mua 10.000 card đồ họa (GPU) để chuẩn bị cho đào tạo AI tại Twitter. Dự án AI này đang ở giai đoạn đầu.
Trong huấn luyện AI, GPU chiếm ưu thế vượt trội so với CPU nhờ khả năng tiến hành song song hàng loạt tính toán đơn giản và đóng vai trò quan trọng với việc xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Việc mua hàng nghìn đơn vị GPU thể hiện tham vọng của Musk, dù trước đó ông vẫn chỉ trích AI tạo sinh, cho rằng công nghệ này cần được kiểm soát bởi những quy định chặt chẽ.
Dự án AI của Musk tại Twitter liên quan đến mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Về cơ bản, AI được đào tạo trên LLM là quá trình tập hợp dữ liệu lớn để tạo ra các nội dung mới với độ phức tạp cao. Twitter có lợi thế về lượng dữ liệu khổng lồ có thể đào tạo LLM. Trước đây, ChatGPT cũng sử dụng tài nguyên sẵn có trên Internet, trong đó có Twitter, để đào tạo. Sau đó, Musk đã chặn việc này vào tháng 12/2022.
Không chỉ chuẩn bị về công nghệ, Musk cũng đang tiếp cận và lôi kéo một số tài năng AI tới Twitter. Đầu tháng 3, kỹ sư Igor Babuschkin và Manuel Kroiss từ công ty nghiên cứu AI DeepMind của Google đã đầu quân cho Musk. Trước đó, Babuschkin từng nói "muốn làm việc với Musk" để tạo ra thứ gì đó trong không gian LLM.
Hiện chưa rõ Twitter sẽ dùng AI tạo sinh vào việc gì. Một trong những ứng dụng đầu tiên có thể là cải thiện khả năng tìm kiếm trên nền tảng, hoặc phát huy tính hiệu quả của quảng cáo. Trí tuệ nhân tạo có thể đưa hình ảnh, nội dung quảng cáo riêng biệt cho từng nhóm người dùng.
Tuy nhiên, cuộc chơi AI tạo sinh cũng đặc biệt tốn kém. Nvidia, công ty chiếm lĩnh 95% thị trường GPU cho mô hình AI, cho biết chip A100 đang là lựa chọn hàng đầu của các công ty AI hiện nay và có giá 10.000 USD. Có nghĩa, Musk cần hàng trăm triệu USD để mua GPU trong bối cảnh tài chính của Twitter đang trong tình trạng bất ổn.
Thông tin Musk lên kế hoạch xây dựng siêu AI xuất hiện trong bối cảnh OpenAI đang phả hơi nóng vào cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Các tập đoàn công nghệ lớn ở Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua phát triển chatbot giống ChatGPT.
Musk đồng sáng lập OpenAI từ 2015 cùng một số nhân vật nổi tiếng như Sam Altman, Reid Hoffman, Peter Theil. Ban đầu, đây là tổ chức mã nguồn mở, hoạt động phi lợi nhuận. Họ tập trung phát triển AI nhằm làm đối trọng với Google vì cho rằng gã khổng lồ công nghệ không quan tâm đúng mức đến sự an toàn của AI.
Đến tháng 2/2018, Musk từ chức chủ tịch công ty. Năm 2020, ông tỏ ra không hài lòng khi OpenAI cấp giấy phép cho Microsoft khai thác độc quyền GPT-3. "Điều này đi ngược sứ mệnh mở ban đầu. OpenAI về cơ bản đã bị Microsoft chiếm", Musk bình luận trên Twitter khi đó.
Ý kiến ()