Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:58 (GMT +7)
Ecuador chính thức lên tiếng sau sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất Mỹ Latinh
Chủ nhật, 07/04/2024 | 23:15:30 [GMT +7] A A
Sau khi lực lượng an ninh xông vào Đại sứ quán Mexico tại Quito bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas, Ngoại trưởng Ecuador Gabriela Sommerfeld đã lên tiếng.
Trong một cuộc họp báo hôm 6/4, theo giờ địa phương, Ngoại trưởng Ecuador cho biết Mexico đã vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
Bộ trưởng Gabriela Sommerfeld cho rằng nguyên tắc này đã bị vi phạm khi Đại sứ quán Mexico ở Quito tiếp nhận ông Jorge Glas, cựu Phó Tổng thống Ecuador, người đã hai lần bị kết tội hối lộ và ngăn cản chính quyền bắt giữ nhân vật này.
Bà Sommerfeld nói thêm rằng ông Glas không thể bị coi là tù nhân chính trị và căn cứ vào Điều 22 của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, vào ngày 29/2/2024, Bộ Ngoại giao Ecuador đã gửi yêu cầu tới Đại sứ quán Mexico ở Quito để xin phép Đại sứ Mexico tiến hành bắt giữ ông Glas theo lệnh bắt giữ của Toà án Quốc gia, nhưng đã bị từ chối.
Cuối cùng, vào rạng sáng ngày 6/4, lực lượng an ninh Ecuador đã đột kích vào Đại sứ quán Mexico tại Thủ đô Quito, khống chế toàn bộ nhân sự thuộc phái đoàn ngoại giao Mexico và bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas.
Theo truyền thông Mexico, tại thời điểm xảy ra sự cố, nhiều nhân viên ngoại giao Mexico, bao gồm cả Tham tán Công sứ Roberto Canseco đã bị các lực lượng chức năng Ecuador tấn công thô bạo và để lại nhiều thương tích.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc được coi là sự cố ngoại giao nghiêm trọng nhất Mỹ Latinh, chính phủ nhiều nước đã có phản ứng.
Chính phủ Mexico tuyên bố cắt đứt quan hệ với Ecuador và rút ngay lập tức toàn bộ nhân viên ngoại giao về nước. Sau đó, Bộ Ngoại giao Mexico tuyên bố sẽ khởi kiện chính phủ Ecuador lên Tòa án Công lý Quốc tế.
Trong một thông báo trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Mexico Alicia Bárcena nêu rõ đây là hành động không chỉ vi phạm thô bạo Công ước Vienne về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, mà còn thể hiện rõ sự coi thường “cao độ” các chuẩn mực cũng như nhận thức phổ quát về quan hệ quốc tế.
Chính phủ Nicaragua cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador.
Thông cáo của Chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega lên án mạnh mẽ vụ tấn công trên, coi đây là hành vi vi phạm trắng trợn Luật pháp quốc tế và các công ước ngoại giao giữa các quốc gia và chính phủ trên thế giới.
Thông cáo nhấn mạnh ngày 1/9/2020, Nicaragua từng rút Đại sứ quán nước này tại Quito và với tuyên bố mới nhất, Managua chính thức cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Ecuador. Chính phủ của Tổng thống Daniel Ortega cũng bày tỏ tình đoàn kết và ủng hộ với người dân và chính quyền Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador sau sự cố ngoại giao nghiêm trọng này.
Về phần mình, Tây Ban Nha đã lên án cuộc đột kích do lực lượng an ninh Ecuador tiến hành nhằm vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt giữ cựu Phó Tổng thống Jorge Glas, đồng thời kêu gọi Ecuador "tôn trọng luật pháp quốc tế".
Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố: "Việc tấn công Đại sứ quán Mexico ở Quito là vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hòa hợp giữa Mexico và Ecuador, các nước anh em của Tây Ban Nha và các thành viên cộng đồng người Mỹ gốc Ibero".
Trong khi đó, Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almargo đã đề nghị Hội đồng Thường trực OAS họp khẩn.
Trong một tuyên bố cùng ngày trên mạng xã hội X, Tổng thư ký OAS nêu rõ các thành viên hội đồng thường trực cần nhóm họp trong thời gian sớm nhất để có thể tìm ra phương hướng giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Mexico và Ecuador - hai quốc gia thành viên OAS.
Ông Jorge Glas là Phó Tổng thống nhiệm kỳ 2013-2018, bị kết án tổng cộng 14 năm tù giam vì cáo buộc nhận hối lộ và liên quan đến vụ án tại Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil) - vụ hối lộ lớn mà nhiều quan chức tại nhiều quốc gia Mỹ Latinh dính líu.
Ông Glas mới hoàn thành 5 năm tù, được trả tự do vào năm 2022 và sau đó nhận lệnh bắt giữ lại hồi tháng 12 năm ngoái.
Cũng trong tháng 12/2023, ông Glas đã tị nạn trong Đại sứ quán Mexico và được Chính phủ Mexico cấp quy chế tị nạn chính trị vào ngày 5/4.
Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao quy định rằng cơ sở ngoại giao hoặc lãnh sự của một nước "là bất khả xâm phạm". Tuy nhiên, công ước này cũng nói rằng không nên sử dụng các cơ sở này theo bất kỳ cách nào "không phù hợp" với các chức năng ngoại giao và lãnh sự.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()