Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:35 (GMT +7)
EATOF 17 mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch Đông Á
Chủ nhật, 30/10/2022 | 07:42:17 [GMT +7] A A
Với chủ đề “Sự phục hồi của du lịch khu vực Đông Á trong kỷ nguyên bình thường mới”, Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 đã tạo nền tảng để việc hợp tác giữa các tỉnh thành viên đi vào thực chất, hỗ trợ nhau cùng phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch nội khối theo hướng bền vững, xanh hơn và thân thiện hơn với môi trường.
Điểm sáng trong giai đoạn phục hồi
Đại hội đồng Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á (EATOF) lần thứ 17 năm 2022 gắn với Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập EATOF được tổ chức tại Quảng Ninh, đánh dấu sự phục hồi của du lịch trên quy mô rộng lớn hơn, khi các quốc gia khu vực Đông Á bắt đầu thực hiện các chính sách mở cửa, tái thiết ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh.
Quảng Ninh được đánh giá là nhạy bén với mở cửa. Bằng chứng là tính từ thời điểm 15/3 (khi mở cửa toàn diện du lịch) đến tháng 10, Quảng Ninh đã đón được trên 10 triệu du khách. Quảng Ninh đặt mục tiêu đón trên 11 triệu du khách cho cả năm 2022. Với kết quả ấn tượng này, Quảng Ninh được coi là mô hình để các tỉnh bạn trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Harry Hwag, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNWTO (Tổ chức Du lịch thế giới) cho biết, so với các khu vực khác trên thế giới, Đông Á đang tụt lại sau trong quá trình mở cửa trở lại du lịch quốc tế, song việc tổ chức thành công EATOF 17 với 8 thành viên tham gia trực tiếp là tín hiệu cho thấy khu vực này đã sẵn sàng mở rộng cánh cửa đón khách quốc tế và ngược lại. Trong khu vực, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng khi thích ứng rất tốt với dịch bệnh.
Với Quảng Ninh, ông Harry Hwag cho rằng việc sở hữu Vịnh Hạ Long vốn đã rất nổi tiếng trên thế giới chính là lợi thế riêng có để Quảng Ninh hấp dẫn du khách trong kỷ nguyên mới của du lịch. Cùng với đó, sự phát triển về cơ sở hạ tầng, các cơ sở lưu trú chất lượng, dịch vụ giải trí đa dạng, hấp dẫn cũng là điều kiện để Quảng Ninh phục hồi du lịch nói chung và du lịch quốc tế nói riêng. Ông nhấn mạnh, hội tụ các điều kiện cần và đủ nên để tăng lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh bây giờ chỉ là vấn đề thời gian.
Ông Harry Hwag gợi mở, nếu có thể khai thác tốt thị trường nội khối, tăng trao đổi khách với các quốc gia có tỉnh thành viên EATOF (bao gồm các quốc gia như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia), chắc chắn du lịch quốc tế của Quảng Ninh sẽ phục hồi nhanh chóng.
Hướng đi cho du lịch trong kỷ nguyên mới
Tất cả các thành viên EATOF đều có nhận thức chung rằng sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của du khách đã thay đổi, họ muốn nhiều trải nghiệm hơn. Họ quan tâm tới những câu chuyện của điểm đến. Xu hướng du lịch đại trà giờ đây cũng không còn được ưa chuộng nữa. Thay vào đó, du lịch bền vững và việc xanh hóa các điểm đến sẽ là cách tiếp cận của du lịch trong kỷ nguyên mới.
“Hướng đi nào cho du lịch sau đại dịch Covid-19?” Trả lời câu hỏi này, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, nói: “Covid-19 gây ra sự gián đoạn với ngành du lịch trên quy mô toàn cầu với 90% di sản thiên nhiên thế giới phải đóng cửa. Giờ đây, chúng ta phải bắt đầu lại từ đầu, suy nghĩ, cân nhắc về những mô hình mới. Chúng ta không thể quay trở lại trạng thái bình thường trước đây nữa mà phải phát triển các mô hình phát triển bền vững hơn, quan tâm hơn tới bảo tồn thiên nhiên, các di sản và cộng đồng”.
Lấy dẫn chứng về Dự án đánh giá sức tải Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long mà UNESCO hỗ trợ TP Hạ Long và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long thực hiện trong 2 năm qua, ông cho biết dự án đã cung cấp những số liệu khoa học, hữu ích, làm cơ sở để TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh đưa ra các quyết sách phát triển du lịch lâu dài và đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
“Diễn đàn như EATOF sẽ giúp các thành viên chia sẻ khó khăn, gợi mở những giải pháp khả thi cho các điểm đến di sản. Tôi cho rằng, các thành viên của EATOF cũng cần thúc đẩy sự phát triển của du lịch dựa trên văn hóa và quan trọng hơn là bảo tồn văn hóa, không chỉ tập trung vào tăng lượng khách mà chúng ta phải tập trung vào du lịch chất lượng” - ông Christian Manhart chia sẻ thêm.
Du lịch chất lượng là lời giải cho du lịch hậu đại dịch và cũng mang lại lợi ích bền vững cho điểm đến, là cách xanh hóa điểm đến, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Bà Susan Santos de Cardinas, đại diện và đối tác Đông Nam Á tổ chức Green Destination (Điểm đến Xanh) nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung vào du lịch chất lượng, tập trung thu hút du khách lưu trú dài ngày, những du khách này khi tới một điểm đến “đa trải nghiệm” họ không chỉ tham quan vùng biển, họ có thể ở lại các homestay ở vùng nông thôn. UNWTO đã đề cập tới những khu vực du lịch làng quê như một trọng tâm mới và chúng tôi cũng đang thúc đẩy mô hình du lịch này với phong trào phát triển du lịch nông thôn, nơi người nông dân, người dân bản địa được tham gia và phát huy vai trò. Đó cũng chính là tương lai của du lịch”.
Trong câu chuyện phát triển du lịch, tiếng nói của cộng đồng dân cư địa phương cần phải được lắng nghe và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất cứ quyết sách nào, để du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà trước hết là phải mang lại lợi ích cho người dân, khiến cuộc sống của người dân được cải thiện và nâng cao.
Giáo sư Hiram Ting, Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học UCSI (Malaysia) nhấn mạnh: “Khi phát triển du lịch không chỉ là vấn đề chính sách hay chiến lược mà chúng ta phải hoạch định lại từ vấn đề căn cốt, nền tảng. Chúng ta phải làm lại từ đầu. Cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân địa phương bởi họ đại diện cho các di sản văn hóa bản địa. Chúng ta cần có chính sách và chiến lược liên quan tới người dân và trao quyền cho người dân trong quá trình phát triển du lịch bền vững”.
Nâng tầm quan hệ liên khu vực
Để phục hồi du lịch trong kỷ nguyên mới, GS Hiram Ting cũng cho rằng không thể làm một cách đơn lẻ mà cần phải có sự liên kết giữa các địa phương, cần phát huy vai trò của các liên minh đi vào thực chất: “Sau Covid-19, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại các quan hệ đối tác, không chỉ là giữa chính quyền các tỉnh mà còn là giữa những người trong ngành, giữa những cá nhân và thành viên trong cộng đồng”.
Để đưa quan hệ giữa các tỉnh thành viên EATOF đi vào thực chất, phát huy tốt vị trí và vai trò như một liên minh du lịch toàn cầu đại diện cho khu vực Đông Á cũng như đóng vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy sự phục hồi, tăng trưởng và phát triển của du lịch Đông Á, tại Đại hội đồng lần thứ 17 diễn ra tại Quảng Ninh, EATOF đã được đổi tên từ “Diễn đàn Du lịch Liên khu vực Đông Á” (East Asia Inter-Regional Tourism Forum) thành “Liên minh Du lịch Liên khu vực Đông Á” (East Asia Inter-Regional Tourism Federation).
Điều đó có nghĩa, các tỉnh EATOF đã nâng tầm quan hệ nội khối theo hướng hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Cụ thể, các nước thành viên cam kết thiết lập cơ chế quản trị hợp tác với chính quyền các tỉnh thành viên, mở rộng mạng lưới toàn cầu để đạt được mục tiêu du lịch bền vững. Các thành viên thống nhất ủng hộ các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội quy mô lớn của các tỉnh thành viên và khuyến khích thực hiện các hoạt động trao đổi thiết thực. Đồng thời, tiếp tục hợp tác xây dựng sự phát triển du lịch dựa trên nguyên tắc du lịch công bằng, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Kỷ nguyên mới của du lịch Đông Á đã được mở ra từ Đại hội đồng EATOF lần thứ 17, với cam kết mạnh mẽ từ các tỉnh thành viên. Chúng ta cùng trông đợi vào tương lai rộng mở của một nền du lịch bền vững và điểm đến xanh liên khu vực, trong đó, chắc chắn Quảng Ninh sẽ tiếp tục duy trì vai trò tích cực.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()