Những tùy chọn trên có thể tăng mức độ bảo mật cho người dùng trực tuyến, nhưng các chuyên gia cho rằng chế độ này không thể ngăn hoàn toàn việc người dùng bị theo dõi. Thay vào đó, chúng chỉ phù hợp để họ không cho người khác biết về hoạt động web của mình khi sử dụng chung thiết bị.
"Nó có thể hữu ích ở một số trường hợp, ví dụ hai người chung phòng sử dụng cùng một máy tính. Khi đó, duyệt web riêng tư ngăn người này theo dõi lịch sử truy cập của người khác", Albert Fox Cahn, sáng lập Surveillance Technology Oversight Project và là giảng viên công nghệ của Đại học New York, giải thích.
Duyệt web riêng tư cũng giảm tình trạng người dùng bị website theo dõi. Trên Chrome, người dùng sẽ nhận được thông báo: "Trang web bạn xem sẽ coi bạn như người dùng mới và không biết bạn là ai, miễn bạn không đăng nhập".
"Mọi người thường tìm đến tính năng ẩn danh với nhiều lý do. Một số muốn bảo vệ quyền riêng tư trên các thiết bị dùng chung, mượn từ người khác, hoặc loại trừ một số hoạt động nhất định khỏi lịch sử duyệt web", Parisa Tabriz, Phó chủ tịch mảng Chrome Browser của Google, cho biết.
Thông thường, khi duyệt web, website sử dụng cookie để theo dõi người dùng, từ đó đề xuất quảng cáo thích hợp. Tùy thuộc vào trình duyệt và lựa chọn của người dùng, chế độ duyệt web riêng tư có thể giảm việc chia sẻ thông tin trên nhiều trang web.
Tuy vậy, dù chọn ẩn danh, người dùng vẫn bị theo dõi và lấy địa chỉ IP - yếu tố có thể được sử dụng để định vị vị trí. "Dù sử dụng tính năng duyệt web riêng tư hay không, IP của bạn vẫn dễ bị phát hiện, bởi website cần gửi yêu cầu lấy dữ liệu, sau đó máy chủ nhận yêu cầu và phản hồi. Việc phản hồi cần IP mới thực hiện được", Andrew Reifers, phó giáo sư chuyên về công nghệ thông tin tại Đại học Washington, nói.
Một số trình duyệt cung cấp tính năng ẩn IP, như Safari, Chrome. Ngoài ra, việc sử dụng VPN cũng là cách ngăn quá trình thu thập IP chính xác khi duyệt web.
Mức độ bảo vệ của duyệt web riêng tư
Dữ liệu duyệt web thường được lưu ở hai nơi: cục bộ trên máy tính và website đã truy cập. Các thông tin này có thể được bảo vệ nếu là thiết bị cá nhân, nhưng sẽ không an toàn nếu máy do một tổ chức khác quản lý. Theo các chuyên gia, một sinh viên dùng laptop của trường mình, hay nhân viên sử dụng máy tính của công ty, tính năng duyệt web riêng tư gần như vô ích.
"Nếu dùng một máy tính đang chịu sự quản lý của người khác, vấn đề bảo vệ sự riêng tư khi duyệt web thường không khả thi", Eric Rescorla, CTO của Mozilla, cho biết. "Những thiết bị này có thể được cài đặt bất kỳ loại phần mềm giám sát nào để đo lường bất cứ điều gì bạn làm. Trong trường hợp này, chế độ ẩn danh gần như vô dụng".
Đại diện Google cũng cảnh báo tính năng ẩn danh không bảo vệ toàn bộ dữ liệu người dùng khi sử dụng thiết bị do bên khác quản lý. "Hoạt động duyệt web của bạn vẫn được ghi lại và có thể bị cơ quan, chủ lao động, trường học thu thập", Tabriz cho biết.
Theo các chuyên gia, người dùng có thể cân nhắc sử dụng kết hợp các công cụ khác như phần mềm mạng riêng ảo VPN để giấu địa chỉ IP. Tuy nhiên, VPN cũng là con dao hai lưỡi, khi nhà cung cấp VPN có thể truy cập vào hoạt động web của người dùng và bán thông tin cho các bên khác.
Ngoài ra, người dùng có thể tìm đến các trình duyệt ẩn danh như Tor. Theo các chuyên gia, đây là loại trình duyệt khá an toàn khi sử dụng nhiều máy chủ trung gian thay vì máy chủ đơn lẻ, do đó vấn đề thu thập dữ liệu cũng hạn chế hơn.
Ý kiến ()