Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:57 (GMT +7)
Duyên dáng phụ nữ Đầm Hà
Thứ 5, 08/02/2024 | 11:18:48 [GMT +7] A A
Tuổi thơ tôi gắn bó với đất mẹ quê cha Đầm Hà. Mỗi dịp Tết cổ truyền hay hè đến, bố lại đưa tôi về quê ở với ông bà nội. Nhớ những ngày mờ sáng ở Đầm Hà, các cô, các bà í ới gọi nhau ra đồng, đến chiều chạng vạng vẫn thoăn thoắt cấy lúa… Hình ảnh những cô gái Đầm Hà lam làm, chịu khó ấy luôn in đậm trong tâm trí tôi.
Đầm Hà có truyền thống văn hóa lâu đời. Cư dân sớm nhất ở Đầm Hà là người Kinh sống bằng khai thác hải sản và khai phá đất đai canh tác ở vùng ven biển. Về sau có thêm người từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ di cư đến. Sau đó là người các dân tộc thiểu số thuộc nhóm Bách Việt gồm người Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, cuối cùng là các chủng tộc người Hoa từ Quảng Tây, Quảng Đông và một tỉnh Đông Nam Trung Quốc di cư sang.
Có lẽ bởi đặc điểm này mà những cô gái Đầm Hà thường có nước da bánh mật, mặt tròn, khỏe mạnh, chân chất. Họ không ngại khó, ngại khổ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thời kỳ thực dân Pháp lập “Xứ Nùng tự trị” tại Đầm Hà, nhiều phụ nữ Đầm Hà đã dũng cảm tham gia lực lượng cách mạng tiễu trừ thổ phỉ, đập tan âm mưu bạo loạn, gây rối của các tổ chức chống phá cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, nhiều cô gái Đầm Hà xung phong đi tải đạn, tải gạo chi viện cho chiến trường miền Nam. Những người ở lại quê nhà thì hăng say lao động sản xuất, nuôi dạy con cái để chồng yên tâm lên đường nhập ngũ.
Sự dũng cảm, chịu thương, chịu khó của những cô gái Đầm Hà đã góp phần tạo nên bản sắc riêng cho người dân nơi đây. Năm 2019 Huyện ủy Đầm Hà đã xây dựng Nghị quyết về văn hóa, con người Đầm Hà với khẩu hiệu: “Đoàn kết, sáng tạo, thân thiện, nghĩa tình”. Để tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Đầm Hà, năm 2019 huyện đã tổ chức Hội thi “Duyên dáng Đầm Hà” lần thứ I...
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (nguyên Bí thư Huyện ủy Đầm Hà), một trong những người lên ý tưởng của Hội thi, cho biết: Khác với các cuộc thi sắc đẹp khác, “Duyên dáng Đầm Hà” đề cao, tôn vinh giá trị của vẻ đẹp tâm hồn, truyền thống của một vùng đất, sự tự tin, năng động của tiến trình hội nhập của nữ thanh niên. Hội thi không quá đề cao các chỉ số hình thể, nhưng lại đòi hỏi sự hài hòa trong tổng thể, nét đẹp riêng có của phụ nữ Đầm Hà...
Theo dự định lúc đầu, 2 năm huyện tổ chức hội thi một lần. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến 2022 huyện mới tổ chức Hội thi lần thứ hai, lần thứ ba dự kiến thực hiện vào năm 2024.
Qua các Hội thi "Duyên dáng Đầm Hà" càng cho thấy vẻ đẹp mặn mòi của người con gái nơi đây. Là cây viết nổi tiếng chuyên về mảng văn hóa - nghệ thuật, từng là Phó Tổng Biên tập tạp chí Saostar.vn, thành viên Ban Giám khảo của rất nhiều cuộc thi sắc đẹp lớn, nhỏ trong nước; khi nói về Hội thi “Duyên dáng Đầm Hà”, nhà báo Ngô Bá Lục nhận xét: Các cô gái Đầm Hà không có chiều cao “khủng” nhưng rất duyên dáng. Vẻ đẹp của các cô gái Đầm Hà không phải là số đo nóng bỏng, mà là sự duyên dáng, dịu dàng cuốn hút, đáng yêu.
Sự duyên dáng, khỏe mạnh, siêng năng, chịu thương, chịu khó của những cô gái Đầm Hà không chỉ ở tuổi thanh xuân, mà thấm đẫm vào họ trong suốt cuộc đời. Bởi vậy khi đến các xã của Đầm Hà, nhất là những xã vùng biển, mọi người dễ dàng gặp hình ảnh những cụ bà cao tuổi, khuôn mặt tròn đôn hậu, luôn thân thiện đối đãi với mọi người như con, cháu trong gia đình. Đức tính ấy cũng giúp phong trào phụ nữ ở Đầm Hà luôn sôi nổi, đầy nhiệt huyết.
Vẻ đẹp trong tâm hồn của con gái Đầm Hà góp phần tạo nên thương hiệu thân thiện, nghĩa tình của người dân nơi đây. Có lẽ bởi vậy, nhiều chàng trai ở Đầm Hà dù đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác vẫn mong rước những cô gái cùng quê để xây dựng mái ấm gia đình. Mỗi khi có dịp dự đám cưới của những cô gái Đầm Hà, trong tôi lại vang vang điệu hát nhà tơ (Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận ở một số xã của Đầm Hà): “Cầu này cầu ả, cầu ân/ Một trăm cô gái bước chân cầu này/ Cầu này cầu nghĩa cầu tình/ Cầu cho duyên số chúng mình lấy nhau”.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()