Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:32 (GMT +7)
Duy trì sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Thứ 2, 05/06/2023 | 09:48:23 [GMT +7] A A
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước ước đạt 20,26 tỷ USD.
Trong khi nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ, như: Cà-phê 2,02 tỷ USD, tăng 0,2%; rau quả 1,97 tỷ USD, tăng 39,0%; gạo 2,02 tỷ USD, tăng 49,0% thì nhiều mặt hàng lại tiếp tục giảm sâu như: Cao-su 799 triệu USD, giảm 24,0%; cá tra 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm 1,22 tỷ USD, giảm 34,4%, gỗ và sản phẩm gỗ 5,1 tỷ USD, giảm 27,3%... đã kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu giảm nhưng sản xuất nông nghiệp trong nước vẫn đang duy trì đà tăng trên hầu hết lĩnh vực. Đáng kể nhất là sản xuất lúa gạo duy trì ổn định diện tích và sản lượng, không những bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trước nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu, mà còn đạt kim ngạch xuất khẩu cao với giá bán khá cao ở nhiều thị trường trọng điểm.
Tuy nhiên, điều đáng lo lắng là trong khi sức sản xuất ở nhiều ngành hàng vẫn tăng trưởng thì hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu lại đang chững lại hoặc giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt hơn 3,4 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản lại giảm sâu, chỉ đạt 3,47 tỷ USD, giảm tới 25,9%. Hay như hạt tiêu, Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch hạt tiêu mới với sản lượng khoảng 200.000 tấn, tăng 9% so với vụ thu hoạch năm 2022, nhưng xuất khẩu 5 tháng đầu năm chỉ đạt 414 triệu USD, giảm 9,9%.
Trong khi sức sản xuất ở nhiều ngành hàng vẫn tăng trưởng thì hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu lại đang chững lại hoặc giảm sâu, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp. |
Trong lĩnh vực trồng trọt, tuy kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn tăng trưởng mạnh nhưng hiện diện tích, sản lượng cũng đang tăng ồ ạt, gây áp lực cho khâu tiêu thụ. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng cây lâu năm tăng khá so với cùng kỳ năm 2022 do nhiều diện tích cây ăn trái được trồng từ những năm trước đã đến thời kỳ thu hoạch.
Mặt khác, nhiều nhà vườn ở các tỉnh phía nam thời gian qua đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng, mít, hiện cũng bắt đầu cho sản phẩm ổn định cho nên dự báo những tháng tới, sản lượng sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Từ thực tế nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với ngành nông nghiệp thời gian này là vừa duy trì sức sản xuất trong nước, vừa tăng cường các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông sản: Tập trung khơi thông các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản - hiện đang là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 492/CĐ-TTg về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách nhằm giảm ùn ứ và thúc đẩy xuất khẩu nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía bắc. Về lâu dài, tập trung đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng các loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán để giảm tỷ lệ nông sản Việt Nam phải kiểm tra khi xuất khẩu vào Trung Quốc.
Đối với thị trường Mỹ, châu Âu, hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong ký kết và thực hiện các đơn hàng do lạm phát cao cộng với các chính sách thắt chặt tiền tệ tại một số quốc gia phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến cung-cầu để nhanh chóng thích ứng, trong đó chú trọng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá cạnh tranh và các yếu tố phát triển bền vững như môi trường, lao động…
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()